Theo AP, “băng thây ma” là loại băng đã được “chốt đơn” gửi tới đại dương, một loại băng đã chết mà bất kỳ nỗ lực chống biến đổi khí hậu nào cũng trở nên vô hiệu với nó. Nếu toàn bộ băng thây ma “tác quái”, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao thêm từ 27-87 cm.
Chỉ vài cm mực nước biển đã đủ gây thảm họa ở nhiều nơi, vài chục cm đồng nghĩa với hàng loạt vùng đồng bằng ngày nay, bao gồm nhiều thành phố lớn trên thế giới, sẽ chìm sâu dưới mực nước biển nhanh hơn những dự báo kinh hoàng trước đây.
Nhà băng học William Colgan từ Cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland, một đồng tác giả, cho biết băng thây ma này mặc dù vẫn còn bám vào những vùng băng dày hơn nhưng từ lâu không còn được bổ sung bởi các sông băng mẹ. Bởi vậy chúng bám vào nhưng không thực sự còn “sống”.
Trong kịch bản “tươi sáng” nhất được bài công bố trên tạp chí Nature Climate Change chỉ ra, những tảng băng thây ma này sẽ khiến mực nước biển dâng thêm ít nhất 27 cm, gấp 2-3 lần so với tính toán trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đối với khả năng mực nước biển dâng do băng Greenland vào năm 2100 là 6-13 cm.
Còn nếu tính toán theo dữ liệu của những năm tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ từ 2000-2019, lượng băng tan sẽ khiến nước dâng tận 78,2 cm, một thảm họa thực sự đối với các lục địa, theo Science Alert.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã xem xét các tảng băng ở trạng thái cân bằng.
Ở trạng thái cân bằng hoàn hảo, tuyết rơi trên các ngọn núi của cực Bắc này sẽ chảy xuống và bổ sung nguồn vật liệu làm dày các mặt của sông băng, cân bằng lại những gì đang tan chảy ở các rìa.
Nhưng trong vài thập kỷ qua, lượng bổ sung ít hơn lượng tan chảy nhiều, gây ra sự mất cân bằng, khiến tỉ lệ băng thây ma dần lan rộng, hiện đã chiếm 3,3% tổng lượng băng Greenland, tương đương 120 ngàn tỉ tấn. Nếu biến cả nước Mỹ thành hồ chứa số nước này, mực nước sẽ dâng tới 11 m.
Tiến sĩ Colgan nói một cách hình tượng rằng băng thây ma là loại băng “chết đói”.