Thành phố cổ Assos ở Thổ Nhĩ Kỳ từng xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ, ban đầu được ghi nhận bởi những người dân bản địa. Theo lời kể của họ, những chiếc quan tài bằng đá trong nghĩa địa Assos có thể phân hủy xác chết với tốc độ nhanh một cách bất thường.
Nhờ khả năng kỳ lạ này, chúng được gọi là σαρκο φαγοσ (‘sarko fagos’) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘kẻ ăn thịt’. Đây cũng là khởi nguyên của từ đơn sarcophagus, tức quan tài đá.
Theo lịch sử kể lại, Assos vốn là một thị trấn nhỏ, giàu lịch sử và truyền thống ở tỉnh Çanakkale của Thổ Nhĩ Kỳ, được thành lập từ khoảng năm 1000 đến năm 900 trước Công nguyên bởi những người định cư Aeolian ở Lesbos.
Những người này đã xây dựng Đền thờ Doric cho nữ thần Athena trên đỉnh núi vào năm 530 trước Công nguyên, nơi Hermias, một học trò của Plato, cai trị khu vực. Điều này đã mang lại sự thịnh vượng cho vương quốc, và biến Assos thành nơi quy tụ của nhiều nhà hiền triết gia vĩ đại nhất trên thế giới.
‘Thời kỳ hoàng kim’ của Assos kết thúc vài năm sau đó khi người Ba Tư kéo đến xâm lược, rồi bị Alexander Đại đế đánh đuổi vào năm 334 trước Công nguyên. Sau đó, khu vực rơi vào tay đế chế La Mã.
Đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, những chiếc quan tài đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Chúng được tạc từ đá mắcma (andesite) với bề mặt phẳng phiu, không có hình trang trí cầu kỳ. Kích thước của những chiếc quan tài này dài khoảng 2 mét, chiều rộng và chiều cao tương đương 80-90 cm. Trọng lượng của mỗi chiếc đạt 3 tấn.
Đáng chú ý và cũng là đặc điểm kỳ lạ nhất của những cỗ quan tài đó là khả năng phân hủy bất cứ thi hài nào được đặt vào bên trong với khoảng thời gian kỷ lục. Người ta đã ghi nhận rằng một cơ thể người trưởng thành chỉ mất chừng 40 ngày để phân hủy hoàn toàn.
Trước hiện tượng kỳ lạ và có phần đáng sợ này, các nhà khoa học đã bỏ rất nhiều thời gian công sức trong suốt nhiều thế kỷ để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
Một số giả thuyết cho rằng những cư dân Assos cổ đại có thể đã phát hiện được rằng nhôm có thể đốt cháy da, nên bỏ thêm vật liệu này vào bên trong quan tài để giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy xác.
Tuy nhiên, kết luận này vẫn chưa được chứng minh, và giới khoa học ngày nay vẫn gần như “mù tịt” về hiện tượng bí ẩn có một không hai này.