Nhắc tới đảo Phục sinh ở Chile, nhiều người ắt hẳn sẽ nhớ ngay hình ảnh những bức tượng hình đầu người nổi tiếng, được gọi là “Moai” – vốn mang tính biểu tượng và là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Thế nhưng, những bí ẩn xung quanh cách tạo ra, cũng như di chuyển chúng để tạo thành một “quần thể” tượng đá kỳ vĩ lại là điều mà đến nay giới khoa học vẫn chưa thể lý giải.
Dãy tượng đá khổng lồ bí ẩn
Năm 1722, những người Hà Lan lần đầu tiên đặt chân lên một hòn đảo tươi đẹp, nhưng cô đơn nằm giữa biển cả bao la. Họ đã đặt tên cho nó là đảo Phục sinh, vì hôm đó là ngày 5/4, rơi vào đúng lễ Phục Sinh.
Điều khiến cho những nhà thám hiểm hứng thú nhất trên hòn đảo hoang nhỏ bé không phải vị trí địa lý độc đáo, mà là hàng trăm pho tượng đá hình đầu người khổng lồ, được người dân bản địa gọi là “Moai”.
Theo đo đạc, những bức tượng “Moai” có trọng lượng đến 75 tấn và chiều cao khoảng 10 mét. Cá biệt có bức nặng 270 tấn và cao 21 mét.
Chúng cũng có các đặc điểm khác thường như mũi hếch lên, thần sắc đờ đẫn, không có biểu cảm rõ ràng, dái tai to và rủ xuống, như thể được chế tác theo một hình mẫu thống nhất.
Có thuyết kể lại, những người khai hoang Polynesia tại hòn đảo này đã chế tạo tượng đá từ khoảng năm 1000 – 1100 sau Công Nguyên.
Thậm chí, có cả một nhóm những chuyên gia điêu khắc tượng “Moai”, gồm những người điêu khắc chuyên nghiệp và là một tầng lớp riêng biệt, được xem là cao hơn so với những thợ điêu khắc Polynesia bình thường khác.
Theo một thống kê vào năm 2019, có tổng số 887 các “Moai” được tìm thấy, 394 trong số chúng còn rõ hình dạng, và khoảng 95% được tạc từ đá núi lửa tại dãy núi Ranorako. Điều đáng nói là loại đá này đó rất cứng, nặng, và khó vận chuyển.
Di chuyển tượng đá nặng trăm tấn như thế nào?
Theo tìm hiểu, các nhà khảo cổ học cho rằng để chế tác tượng “Moai” đòi hỏi chi phí chế tạo rất lớn; không chỉ bởi việc khắc mỗi bức tượng đều đòi hỏi chi phí nhân công và nguyên liệu, mà còn đến từ việc di chuyển và dựng đứng nó lên ở vị trí đã sắp đặt từ trước.
Đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ Moai được di chuyển bằng cách nào, nhưng chắc chắn quá trình này đòi hỏi rất nhiều nhân công, kèm theo các vật dụng thô sơ như dây kéo, búa hay con lăn.
Không chỉ vậy, một số bức tượng còn được phát hiện thấy những chiếc mũ đá, gọi là “pukao”, nặng đến 12 tấn, được đội gọn gàng bên trên một cách đầy bí ẩn. Theo các ghi chép, “pukao” có thể tượng trưng cho búi tóc của vị tù trưởng – người đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực và được tôn vinh bằng những bức tượng lớn.
Carl Lipo, một nhà khảo cổ học tại Đại học Binghamton từng dẫn đầu nhóm nghiên cứu tìm hiểu về “pukao”, đưa giả thuyết rằng người Polynesia cổ đại có thể đã dùng một kỹ thuật gọi là “parbuckling” với sự kết hợp từ dốc lăn và dây thừng.
Bằng cách xây dựng mô hình 3D của các trụ lăn đá, nhóm nghiên cứu tính toán được rằng chỉ cần một con dốc dài 23 – 100 mét và độ nghiêng 5 – 20 độ, một nhóm gồm 15 người có thể vận chuyển “pukao” tới vị trí mong muốn trên bức tượng cao 10 mét.
Năm 2012, Carl Lipo cũng từng thành công khi đưa ra giả thuyết về cách mà người Polynesia cổ đại di chuyển những bức tượng nặng hàng trăm tấn nhờ lực kéo cộng hưởng và dây thừng.
“Mọi người thường có xu hướng đánh giá thấp sự khéo léo của người cổ đại”, Lipo nói. “Để rồi từ đó, chúng ta đặt ra các giả thuyết như có phải người ngoài hành tinh làm điều đó, vì họ không thể tưởng tượng rằng tổ tiên của chúng ta lại thông minh và có khả năng như vậy”.
“Chúng ta thường lấy việc thiếu đi công cụ, kỹ thuật để biện minh, nhưng lại quên mất rằng việc thiếu vắng công nghệ có nghĩa người cổ đại phải cực kỳ tháo vát khi làm mọi việc, bởi họ không có nhiều lựa chọn”.