Google Doodle tôn vinh sinh nhật lần thứ 80 của Stephen Hawking.
“Doodle hôm nay tôn vinh một trong những bộ óc khoa học có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử, nhà vũ trụ học, tác giả và nhà vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking”, Google viết trong phần mô tả.
“Từ các khái niệm về hố đen vũ trụ đến Vụ nổ lớn (Big bang), lý thuyết của ông về nguồn gốc và cách thức hoạt động của vũ trụ đã góp phần cách mạng hóa nền vật lý hiện đại; những cuốn sách bán chạy nhất của ông đã giúp hàng triệu độc giả trên toàn thế giới tiếp cận rộng rãi với lĩnh vực này”.
Nhà vật lý học Stephen Hawking (8/1/1942 – 14/3/2018), qua đời ở tuổi 76. Ông đồng thời là một nhà vũ trụ học, thiên văn học, toán học và là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có cuốn “Lược sử thời gian”, đã bán hơn 10 triệu bản.
Ông được chẩn đoán mắc chứng ALS (bệnh xơ cứng teo cơ bên), một bệnh thoái hóa thần kinh còn được gọi là Bệnh Lou Gehrig, thường gây tử vong trong vòng vài năm. Lúc ấy là năm 1963, khi Stephen mới 21 tuổi và được cho rằng chỉ có thể sống thêm vài năm nữa. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, “ông hoàng vật lý” không chỉ sống, mà còn cống hiến cả cuộc đời ông cho ngành khoa học thế giới, để lại nhiều kiến thức quý giá.
“Tôi đã dành cả cuộc đời để đi khắp vũ trụ trong tâm trí của mình,” giọng nói mô phỏng Stephen Hawking trên Doodle nói. “Mục tiêu của tôi rất đơn giản: Đó là sự hiểu biết đầy đủ về vũ trụ, tại sao nó lại như vậy và tại sao nó lại tồn tại. Một trong những quy tắc cơ bản của vũ trụ là không có gì là hoàn hảo. Sự hoàn hảo chỉ đơn giản là không tồn tại. Không có không hoàn hảo, cả bạn và tôi đều không tồn tại”.
Stephen Hawking (tên đầy đủ là Stephen William Hawking), sinh ngày 8/1/1942, ở Oxford trong một gia đình đều là những người có học thức. Ông có hai em gái, Philippa và Mary, và một em trai nuôi, Edward.
Cha của ông là Frank Hawking, một chuyên gia trong lĩnh vực y học. Mẹ của ông là Isobel Hawking, thì theo đuổi ngành triết, chính trị và kinh tế học. Cha mẹ Stephen sống tại Highgate nhưng khi London bị oanh kích trong chiến tranh, gia đình ông đã rời xuống Oxford để sinh nở an toàn hơn.
Lúc 8 tuổi, khi Stephen học tại Trung học St. Albans, ông đã được đánh giá là hết sức trí thức và có phần lập dị. Trong các bữa ăn, Stephen thường cầm một quyển sách vừa ăn vừa im lặng đọc sách. Mặc dù vậy, kết quả học tập của ông chỉ đứng ở phần cuối lớp. Lên các lớp trên, Stephen có sự tiến bộ hơn, nhưng không nhiều.
Vấn đề không nằm ở trí tuệ mà có vẻ do sự trễ nải của ông. Và mặc dù điểm số không tốt, nhưng cả giáo viên và bạn bè đều thấy được tố chất thiên tài của ông. Biệt danh của ông ở trường là “Einstein”
Theo thời gian, ông ngày càng chứng tỏ năng khiếu đáng chú ý đối với các môn khoa học tự nhiên. Cuối cùng, Stephen quyết định theo học vật lý và hóa học sau khi đạt một học bổng vào năm 1959 tại University College (thuộc Đại học Oxford). Lúc này, ông mới 17 tuổi.
Trong 18 tháng đầu tiên tại Đại học Oxford, Stephen thấy chán học và cô đơn. Lý do là bởi ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên, và thấy việc học hành “dễ một cách kỳ cục”. Thầy dạy vật lý Robert Berman của Stephen Hawking sau này kể lại: “Đối với cậu ta chỉ cần biết điều gì đó có thể thực hiện, và cậu có thể làm nó mà không cần phải ngó xem những người khác đã làm thế nào.”
Những năm sau đó, Hawking cố gắng trở nên hòa nhập hơn với trang lứa. Ông trở thành một sinh viên được quý mến, hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng.
Stephen Hawking ước chừng mình chỉ học 1000 giờ trong 3 năm ở Oxford (tức trung bình 1 giờ/ngày). Khi làm bài thi cuối kỳ, Stephen chỉ trả lời những câu hỏi vật lý lý thuyết và bỏ qua những câu đòi hỏi kiến thức thực tế.
Tuy nhiên trong các buổi vấn đáp, ban giám khảo đủ thông minh để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với ai đó thông minh hơn nhiều phần lớn người trong số họ. Điều này khiến Stephen nhanh chóng có được bằng cử nhân hạng nhất tại Oxford, và bắt đầu Hawking bắt đầu vào học bậc trên đại học tại Trinity Hall (Đại học Cambridge) từ tháng 10/1962
Cú sốc đến với Stephen Hawking khi ông bị chẩn đoán mắc bệnh Lou Gehrig, một chứng bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên từ khi mới chỉ 21 tuổi. Điều này khiến ông hầu như bị liệt toàn thân, phải ngồi xe lăn và giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói.
Bác sĩ cho rằng ông chỉ sống thêm được 2,3 năm nữa. Ban đầu Stephen sử dụng nạng để di chuyển, sau đó phải dùng đến xe lăn. Nhưng bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của Khoa học, Y học, ông đã chứng minh điều ngược lại, vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. Ông nói: “Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Đó là hiểu toàn bộ về vũ trụ, vì sao vũ trụ lại như vậy và vì sao nó tồn tại”.
Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hawking là năm 1970, khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra một điểm kỳ dị không – thời gian vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra.
Hawking tham gia tuyển cử vào Hội đồng Hoàng gia ở tuổi 32. Năm năm sau, ông trở thành Giáo sư Lucasian – chức danh giáo sư toán học tại Đại học Cambridge, đã từng được Isaac Newton và sau này là Paul Dirac (cha đẻ của cơ học lượng tử) đảm nhận. Ông giữ chức vụ này trong 30 năm, sau đó chuyển về làm giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Lý thuyết Vũ trụ.
Những năm 1980, ông tiếp tục có những cống hiến vĩ đại cho khoa học thế giới dựa trên “Lý thuyết về sự phình to của vũ trụ”. Năm 1982, Hawking trở thành một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất, có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ.
Người vợ đầu tiên của Stephen Hawking là Jane Wilde – người bạn thân thiết thời đại học của mình. Ông kết hôn với Wilde năm 1965, hai năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động. Họ sinh được ba người con là Robert, Lucy, và Timothy.
Cuộc hôn nhân của ông với bà Wilde xấu đi cùng với bệnh tình của Hawking. Họ ly hôn vào năm 1991.
Bốn năm sau, Hawking cưới Elaine Mason, một trong những người y tá chăm sóc ông suốt quãng đời bệnh tật. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm này cũng không có kết quả tốt đẹp.
Hơn ai hết, Stephen Hawking hiểu về tình hình bệnh tật của mình. Ông cũng đã có lần nói tới dấu chấm hết của cuộc đời: “Tôi đã sống mà gần kề cái chết suốt 49 năm qua. Tôi không sợ chết, nhưng tôi vẫn chưa vội ra đi đâu. Tôi vẫn muốn làm rất nhiều việc trước khi từ giã cõi đời”.
Hawking có thể không phải là nhà vật lý học vĩ đại nhất thời của ông, nhưng trong ngành thiên văn học, ông là một tượng đài không thể xô đổ. Trong suốt cuộc đời mình, Stephen Hawking từng giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley và giải Vật lý Cơ bản. Năm 2009, ông được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống.
Dấu ấn khiến ông trở thành “ngôi sao” toàn cầu là khi hoàn thiện và xuất bản cuốn sách Lược sử Thời gian – A Brief History of Time. Tuyệt tác này đã bán được 10 triệu bản, dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau, nằm trong Sách Kỷ lục Guinness vì đã 237 tuần (tương đương 4,5 năm) liên tiếp đứng đầu danh sách Sách Bán Chạy Nhất do tờ Sunday Times bình chọn.
Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bệnh tật chưa từng là thứ ngăn cản Stephen Hawking. Trong cuốn sách của mình, ông gọi việc tiếp tục khám phá vũ trụ là “vì tương lai nhân loại”. Và nếu như ta không vươn ra vũ trụ, nhân loại sẽ không thể “tồn tại thêm một ngàn năm nữa”.
Ngày 14/3/2018, thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76. Chính phủ Anh đã công bố quyết định lưu giữ các công trình khoa học và vật dụng cá nhân của Stephen Hawking tại Đại học Thư viện ở Cambridge, nơi ông từng sinh sống để tôn vinh những đóng góp của “ông hoàng vật lý” dành cho nhân loại.