Theo Daily Mail, các bằng chứng gây sốc từ di chỉ Neumark-Nord gần Leipzig (Đức) một lần nữa cho thấy người Neanderthals không hề là một loài người man rợ như suy nghĩ trước đây. Thậm chí, họ có thể đã đạt đến phiên bản sơ khai của cái gọi là “nền văn minh” trước cả chúng ta.
Trong khi các bằng chứng khảo cổ cho thấy con người hiện đại dường như chỉ mới nghĩ đến chuyện cải tạo thiên nhiên để làm nông từ sau kỷ băng hà, dấu vết tại khu rừng ở Đức cho thấy người Neanderthals đã khai hoang nó theo cách mà con người hiện đại vẫn sử dụng trong những thế kỷ trước.
Cụ thể, họ đã dùng lửa để đốt rừng và công cụ để đốn hạ các vùng rậm rạp, xây dựng một khu định cư ổn định suốt vài thiên niên kỷ.
Bằng chứng từ trầm tích phấn hoa mà nhóm khoa học gia từ Đại học Leiden (Hà Lan) thu thập được cho thấy thảm thực vật đã thay đổi từ rừng rậm sang thảm thực vật mở trong suốt 2.000 năm người Neanderthals cư trú.
Như vậy, đây là ví dụ cụ thể khẳng định Homo sapiens không phải những con người đầu tiên nghĩ đến chuyện cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống.
Tại di chỉ, các nhà khoa học cũng thu thập được rất nhiều công cụ chất lượng cao, bao gồm các công cụ bằng đá lửa được chế tạo công phu.
Sau khi người Neanderthals rời đi, khu rừng đã phục hồi, lại dày đặc cây bạch dương. Điều này cho thấy nhiều thế hệ Neanderthals đã kiên trì với việc khai hoang, cải tạo tự nhiên để có nơi sinh sống phù hợp.
Người Neanderthals được cho là tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước, là một người anh em gần gũi, cùng thuộc chi Người (Homo) với người hiện đại Homo sapiens chúng ta.