HomeKhám pháLời giải khoa học cho hiện tượng bí ẩn "người tự bốc...

Lời giải khoa học cho hiện tượng bí ẩn “người tự bốc cháy thành tro”

Những trường hợp người tự bốc cháy thành tro

Theo Allthatsinteresting, người tự bốc cháy hay còn gọi là bốc cháy tự phát đầu tiên được ghi nhận là Polonus Vorstius, một hiệp sĩ ở Milan. Vụ việc xảy ra vào cuối những năm 1400, khi Vorstius được cho là đã tự bốc cháy ngay trước mặt cha mẹ của anh.

Lời giải khoa học cho hiện tượng bí ẩn người tự bốc cháy thành tro - 1

Hình minh họa từ ấn bản năm 1895 của tác phẩm “Ngôi nhà ảm đạm” do tác giả Charles Dickens chấp bút mô tả việc phát hiện thi thể tự bốc cháy của nhân vật Krook – một tay buôn nghiện rượu.

Cũng giống như nhiều trường hợp tự bốc cháy khác, rượu cũng đóng một vai trò nhất định trong vụ việc. Vorstius được cho là đã bốc cháy sau khi uống một vài ly rượu đặc biệt mạnh.

Nữ bá tước Cornelia Zangari de Bandi của Cesena cũng chịu số phận tương tự vào mùa hè năm 1745.

De Bandi uống rượu và đi ngủ sớm, rồi đến sáng hôm sau, người hầu phòng tìm thấy nữ bá tước chỉ còn là đống tro tàn.

Những gì còn sót lại là phần đầu bị bỏng nặng và đôi chân còn đeo tất của nạn nhân. Mặc dù trong phòng de Bandi có 2 ngọn nến nhưng chúng còn nguyên vẹn. Ngoài cơ thể De Bandi, đồ đạc trong phòng không hề bị cháy.

Gần đây hơn, ngày 22/12/2010, cụ ông Michael Faherty, 76 tuổi được tìm thấy đã chết cháy trong nhà của ông ở Galway, Ireland.

Nhưng điều kỳ lạ là các nhà điều tra không tìm thấy chất gây cháy nào gần thi thể của nạn nhân cũng như bất kỳ dấu hiệu án mạng nào. Họ cũng loại trừ việc lò sưởi gần đó có thể đã gây nên cái chết của nạn nhân.

Các chuyên gia pháp y chỉ có cơ thể bị cháy xém của Faherty và cuối cùng các nhà điều tra đã đi đến kết luận cụ ông Faherty chết do “bốc cháy tự phát”.

Kết luận này thời điểm đó đã gây ra nhiều tranh cãi bởi không ít người cho rằng việc một người nào đó bỗng dưng tự bốc cháy thành tro là điều hoàn toàn bất hợp lý.

Nhưng hàng loạt trường hợp “tự bốc cháy” đã được ghi nhận trong vài trăm năm qua, từ Pakistan đến Florida (Mỹ). Thông thường, phần thân các nạn nhân sẽ bị thiêu rụi, chỉ còn lại một số bộ phận ở trên và ở dưới. Các nhà điều tra đã không thể giải thích lý do khiến các nạn nhân chết cháy ngoài nguyên nhân tự bốc cháy.

Nhưng liệu một người có khả năng tự bốc cháy từ bên trong hay không?

Paul Rolli, một thành viên của Hiệp hội Hoàng gia London, học viện khoa học lâu đời nhất thế giới trong một bài báo năm 1744 mô tả nó là “một quá trình trong đó cơ thể người được cho là đã tự bốc cháy do nhiệt tạo ra bởi hoạt động hóa học bên trong cơ thể và không có bằng chứng về nguồn bắt lửa bên ngoài”.

Nhưng phần lớn các nhà khoa học cho rằng điều này hoàn toàn không khả thi và hoài nghi về 200 trường hợp người bị cho là “tự bốc cháy” đã được báo cáo trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học đi tìm sự thật

Trong khi các nhà điều tra không xác định được bất cứ nguyên nhân nào khác ngoài tự bốc cháy khiến nạn nhân tử vong, giới khoa học phần lớn không tin rằng việc người tự bốc cháy là do bất cứ thứ gì bên trong cơ thể.

Họ đã đưa ra một số giả thiết để lý giải những bí ẩn dẫn đến kết luận gây tranh cãi của các nhà điều tra.

Đầu tiên, là lời giải cho câu hỏi vì sao thiệt hại trong những trường hợp được cho là “tự bốc cháy” thường giới hạn trên người nạn nhân hoặc khu vực rất nhỏ quanh họ, chứ không lan rộng ra xung quanh.

Điều này có vẻ bất thường và siêu nhiên, nhưng thực tế thì có không ít đám cháy tự giới hạn và tắt lụi một cách tự nhiên khi hết nhiên liệu. Đặc biệt, ngọn lửa sẽ không lan rộng một khi không có gió hoặc luồng không khí để đẩy chúng.

Một thực tế về lửa cũng giúp giải thích những trường hợp được cho là tự bốc cháy không gây thiệt hại cho căn phòng xung quanh là “hiệu ứng bấc” – lấy tên từ cách ngọn nến dựa vào vật liệu sáp dễ cháy để giữ cho bấc cháy.

Lời giải khoa học cho hiện tượng bí ẩn người tự bốc cháy thành tro - 2

Hiệu ứng bấc được cho là có thể lý giải hiện tượng “người tự bốc cháy”.

Hiệu ứng bấc cho thấy cơ thể con người có thể hoạt động giống như ngọn nến. Quần áo hoặc tóc là bấc, và chất béo trong cơ thể là chất dễ cháy.

Khi lửa bằng cách nào đó đốt cháy cơ thể người, lớp mỡ dưới da sẽ tan chảy cung cấp liên tục chất béo cho “bấc” giữ cho ngọn lửa luôn cháy ở nhiệt độ cao đáng kinh ngạc cho đến khi không còn gì để cháy và ngọn lửa tắt.

Kết quả là các nạn nhân trở thành một đống tro tàn còn sót lại tại hiện trường.

Nhưng làm thế nào mà nạn nhân lại bắt lửa và bùng cháy? Các nhà khoa học cũng có giả thiết cho điều đó. Họ chỉ ra thực tế rằng, hầu hết các nạn nhân trong các trường hợp bị kết luận là tự bốc cháy rõ ràng là người lớn tuổi, ở một mình, ngồi hoặc ngủ gần nguồn phát lửa.

Nhiều nạn nhân đã được phát hiện gần một lò sưởi mở hoặc với một điếu thuốc đang cháy dở và họ đã uống rượu. Rượu, một chất rất dễ cháy – cũng làm cho nạn nhân bất tỉnh, không có khả năng kháng cự trong trường hợp tóc hoặc quần áo họ bắt lửa.

Những người lớn tuổi còn có nhiều khả năng bị đột quỵ hoặc đau tim hơn, và một khi bị như vậy, họ có thể làm rơi điếu thuốc hoặc các nguồn gây cháy khác. Khi cơ thể bắt đầu bị cháy, họ đã chết trước đó hoặc mất khả năng tự cứu mình.

Gần như mọi trường hợp người bốc cháy tự phát được báo cáo đều xảy ra mà không có nhân chứng. Không có ai khác xung quanh để dập ngọn lửa, nguồn lửa bùng cháy và đám tro tàn còn lại tạo thành một hiện trường có vẻ không thể giải thích được đã dẫn đến cái được gọi là hiện tượng “người tự bốc cháy thành tro” đầy bí ẩn và đáng sợ trong suốt hàng trăm năm qua.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments