Máy bay không người lái đã phát hiện ra 941 dấu vết của trận chiến đấu này, trong đó có các hầm trú ẩn và hố bom.
Tên gọi chính thức là Cuộc phản công Ardennes, nhưng trận chiến đấu này thường được gọi là Trận Bulge, diễn ra từ tháng 12/1944 đến tháng 1/1945 ở miền Đông nước Bỉ và Luxambourg. Mặc dù là một trận chiến lớn, nhưng những khu rừng rậm rạp nơi đây đã che giấu phần lớn các bằng chứng khảo cổ học.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ học Birger Stichelbaut ở Trường đại học Ghent, Bỉ, cho biết “mặc dù đây là một chiến trường được các nhà sử học quân sự nghiên cứu kỹ lưỡng và là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý của các bảo tàng và phương tiện truyền thông, nhưng rất ít thông tin về hiện vật di tích của nơi này được công bố.”
Để phát hiện các hiện vật di tích của trận chiến, các nhà khoa học đã sử dụng máy bay không người lái trang bị công nghệ cảm biến lidar, sử dụng tia laser để lập bản đồ số của khu vực này.
Họ đã khảo sát một diện tích rộng nằm giữa thành phố Vith và làng Schoenberg, từng là vị trí trung tâm của Trận Bulge. Họ đã tìm thấy nhiều dấu vết, trong đó có các bệ pháo, chiến hào và hố cá nhân.
Sau khi phát hiện những dấu tích này trên bản đồ ảo, các nhà nghiên cứu đã khảo sát thực địa và xác định 3 giai đoạn của Trận Bulge. Trong giai đoạn đầu, trước cuộc tấn công, quân Đồng Minh duy trì một chiến tuyến ổn định bằng cách sử dụng các tiểu đoàn pháo binh dã chiến của Mỹ đóng quân cách khu vực này vài km về phía Tây.
Trong giai đoạn thứ hai, khi quân Đức bắt đầu tấn công, hơn 200.000 quân Đức và gần 1.000 xe tăng đã tấn công quân Đồng Minh. Vật chứng còn lại ở các công sự dã chiến không chỉ có của quân Mỹ mà còn cả của quân Đức, chứng tỏ quân Đức đã sử dụng các công sự do Mỹ bỏ lại trong trận chiến.
Giai đoạn cuối cùng là bước ngoặt của cuộc chiến, được đánh dấu bằng “nhiều hố bom”, cho thấy lực lượng quân Đồng Minh có thể đã chiếm ưu thế khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói thêm rằng một số hố bom này có thể có từ những thời điểm trước của cuộc chiến.
Giáo sư khảo cổ sử học James Symonds ở Trường đại học Amsterdam, Hà Lan, đánh giá nghiên cứu này đã củng cố thêm tính ưu việt của công nghệ mới như LIDAR và máy bay không người lái trong công tác khảo cổ học và nhờ đó khảo cổ học đương đại có thể làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử nổi tiếng trong quá khứ gần đây.
Các tác giả của nghiên cứu dự định trong tương lai sẽ áp dụng kỹ thuật này để tìm hiểu các khu vực có rừng khác ở châu Âu, để nâng cao hiểu biết về các chiến trường khác và giúp cho việc bảo vệ các di sản có giá trị.