Đã trải qua hàng thế kỷ được nghiên cứu và tìm hiểu, song loài ruồi giấm vẫn khiến chúng ta bất ngờ về những cơ chế đặc biệt của chúng.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng khi ruồi giấm (Drosophila melanogaster) tiếp xúc với xác của những đồng loại đã chết của chúng, tuổi thọ của chúng bắt đầu giảm đi một cách đáng kể và có thể đo lường được.
Quá trình này bao gồm những hành động như tự thu mình lại, giảm lượng mỡ trong cơ thể, và sự lão hóa của chúng tăng nhanh đến mức khiến chúng chết sớm hơn những con ruồi khác. Đôi khi, hiện tượng xảy ra cùng lúc ở cả đàn ruồi, khiến chúng chết hàng loạt.
Những thay đổi này dường như liên quan đến serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng mang tín hiệu giữa các tế bào thần kinh và 5-HT2A – một trong những thụ thể của serotonin.
Theo lý giải của các nhà khoa học, 2 loại tế bào thần kinh ở loài ruồi tiếp nhận chất dẫn truyền thần kinh serotonin được kích hoạt khi ruồi giấm nhận thấy đồng loại đã chết.
Kết quả là hoạt động gia tăng này đã đẩy nhanh quá trình lão hóa ở ruồi, tạo thành một quá trình mà các nhà nghiên cứu gọi là “nhận thức về cái chết”.
Điều thú vị là những tác động tương tự cũng có thể xảy ra ở một số loài động vật khác, như hành động loại bỏ xác đồng loại đã chết ở các loài côn trùng có tính xã hội cao, hay tìm hiểu tử thi ở loài voi. Ở một số loài linh trưởng không phải người, chúng cũng có cách tiếp cận bao gồm gia tăng nồng độ hormone điều hòa được gọi là glucocorticoid.
Mặc dù bộ não của ruồi rất khác so với của con người, nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó, những phát hiện ở loài ruồi sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách thức mà bộ não của chúng ta và quá trình lão hóa hoạt động.
“Kết quả từ nghiên cứu có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc để điều trị cho những người thường xuyên phải đối mặt với các tình huống căng thẳng xung quanh cái chết, như những người lính, hay bác sĩ”, báo cáo nghiên cứu cho biết.