Mới đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một ngôi mộ 2.500 tuổi, cách thủ đô Rome, Ý khoảng 112 km về phía Tây Bắc.
Ngôi mộ này được cho là của người Etruscans, một nền văn minh bí ẩn sinh sống trên bán đảo Ý trước người La Mã.
Theo trang tin GreenMe, ngôi mộ được bao quanh bởi những phiến đá lớn, và các đồ đạc hiến tế cho người mất không bị xáo trộn kể từ khi nó được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, nó chôn cất một người phụ nữ nhờ sự hiện diện của các công cụ dệt vải và mảnh gốm trong đó.
Bên trong ngôi mộ là phần còn lại của “bữa ăn cuối cùng”, với sự xuất hiện một lò than bằng đồng, than đã được đốt cháy, một cái chảo nấu ăn và các dụng cụ để xiên thịt.
Đây là một phát hiện hiếm hoi và bất thường.
Rất có thể, các dụng cụ này để phục vụ một nghi lễ dành cho những người quá cố của nền văn minh Etruscans, các nhà khoa học cho biết họ sẽ thu thập thêm bằng chứng và phân tích sâu hơn trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 trên tạp chí Anthropozoologica, hài cốt động vật được phát hiện trước đó trong một ngôi mộ Etruscan được cho là có liên quan đến một nghi lễ cho người quá cố gọi là “thức ăn của người chết”.
Người Etruscans là một dân tộc tinh vi với ngôn ngữ bí ẩn và nguồn gốc của họ cho đến nay vẫn gây tranh cãi trong giới khoa học.
Etruscans đã bị người La Mã chinh phục vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và nền văn minh này ảnh hưởng lớn đến văn hóa La Mã và Hy Lạp.