Chính xác Ai Cập cổ đại bao nhiêu tuổi? Câu trả lời tùy thuộc vào việc bạn định nghĩa thế nào là Ai Cập cổ đại – Giáo sư Aidan Dodson, chuyên gia Ai Cập học của Trường đại học Bristol, Anh – cho biết.
“Nếu bạn cho rằng Ai Cập cổ đại là nền văn minh kết hợp của vương quyền pharaon, ngôn ngữ viết bằng chữ tượng hình và tôn giáo mà về sau được thay thế bằng Cơ đốc giáo, thì Ai Cập cổ đại bắt đầu vào khoảng năm 3.100 trước Công nguyên và kết thúc vào khoảng năm 400 sau Công nguyên”.
Giáo sư Kathryn Bard, chuyên gia khảo cổ học và nghiên cứu cổ điển của Trường đại học Boston, Anh, cũng có nhận định tương tự. Bà cho rằng “Đất nước của các pharaon bắt đầu vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên”.
Tuy vậy, con người đã sinh sống ở Ai Cập từ rất lâu trước năm 3.000 trước Công nguyên. Theo Giáo sư địa chất học Pierre Vermeersch của Trường đại học Công giáo Leuven, Bỉ, “sự có mặt lâu đời nhất của con người được biết đến ở thung lũng sông Nile cách đây khoảng 400.000 năm”.
Nền nông nghiệp Ai Cập đã tồn tại từ khoảng 5.000 năm trước Công nguyên. Vào khoảng năm 4.100 trước Công nguyên, nhiều nơi ở Ai Cập đã có những ngôi làng làm nông nghiệp quanh năm. Giáo sư Ai Cập học Sally Katary của Trường đại học Laurentia, Canada, đã viết như vậy trong một bài đăng trong “Bách khoa toàn thư Lịch sử cổ đại”, nhà xuất bản Blackwell năm 2013.
Một số vùng định cư quanh năm về sau đã phát triển thành các thành phố. Naqada và Hierakonpolis (hay còn gọi là Nekhen) đã trở thành những trung tâm đô thị quan trọng trong thời gian từ năm 3.500 trước Công nguyên đến năm 3.000 trước Công nguyên.
Đây là một nội dung trong cuốn sách “Tất cả những thành phố ở Ai Cập cổ đại” của Giáo sư khảo cổ học Ai Cập Steven Snape, Trường đại học Liverpool, Anh.
Khoảng năm 3.100 trước Công nguyên, Ai Cập quy phục dưới quyền của một pharaon và một hệ thống chữ viết, thường được gọi là chữ tượng hình, đã ra đời.
Thày tu Manetho người Ai Cập sống ở thiên niên kỷ sau đó, tức là vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, đã viết rằng nhà vua đầu tiên của nước Ai Cập thống nhất là vua Menes, nhưng các học giả ngày nay vẫn chưa nhất trí về vua Menes là ai và thông tin mà thày tu Manetho đưa ra có chính xác hay không.