HomeKhám pháBí ẩn cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét

Bí ẩn cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét

Bí ẩn cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét - 1

Delhi là một cây cột sắt được đúc vào thế kỷ thứ 5, do Vua Kumara Gupta I thuộc triều Gupta, cai trị bắc Ấn Độ trong giai đoạn 320-540, dựng lên.

Ban đầu cột này là một phần thuộc đền Muttra, với thần tượng Garuda trên đỉnh. Tuy nhiên sau khi ngôi đền Hindu này bị Qutb-ud-din Aybak phá hủy để xây dựng Qutub Minar và đền thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam, nó là phần duy nhất còn sót lại.

Điều kỳ lạ là mặc dù phơi nắng mưa ở ngoài trời trong suốt hàng nghìn năm, song cột sắt Delhi hầu như không có dấu hiệu bị gỉ sét. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học và kỹ sư kim loại từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra hàng loạt giả thuyết về đặc tính của kỳ quan bất thường này.

Cột sắt kỳ lạ

Sắt vốn là thứ kim loại dễ gỉ sau vài năm. Đây là một hiện tượng rất dễ gặp, xảy ra khi các nguyên tử oxy trong không khí liên kết với các nguyên tử sắt, dẫn đến sự hình thành các oxit sắt. Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa tìm được cách để chống gỉ sét ở những đồ dùng bằng sắt.

Thế nhưng trải qua 1.600 năm, đứng lộ thiên dưới khí hậu khắc nghiệt, người ta không hề thấy một vết gỉ sét nào trên cây cột bí ẩn, kể cả những hoa văn và chữ viết nhỏ nhất.

Đã có lúc, nhiều người tin rằng cây cột được làm từ một kim loại bí ẩn nào đó không phải đến từ Trái Đất. Trong khi những người khác lại suy đoán rằng những nghệ nhân làm ra nó đã sử dụng một kỹ thuật của tương lai, nhưng đã bị thất truyền theo thời gian.

Bí ẩn cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét - 2

Cột sắt không hề bị gỉ dù được đặt lộ thiên suốt hàng nghìn năm.

Bí ẩn được làm sáng tỏ

Mãi tới gần đây, bí mật về cây cột mới được sáng tỏ. Các nhà khoa học Ấn Độ đã phát hiện ra rằng một lớp màng mỏng, là hợp chất của sắt, ôxy và hyđrô đã bảo vệ cây cột này.

GS. Balasubramanian, đồng tác giả của nghiên cứu, gọi cây cột này là “bằng chứng sống” cho kỹ năng của các nhà luyện kim từ thời Ấn Độ cổ đại. Theo lý giải của Balasubramanian, cấu trúc sắt rèn nên cây cột này vốn dĩ đã bao gồm một lớp bảo vệ, gọi là “misawite” – được hình thành do hàm lượng phốt pho cao trong sắt.

“Sắt hiện đại có hàm lượng phốt pho chỉ dưới 0,05%, nhưng sắt rèn nên cột Delhi chứa tới 1% phốt pho và điều này đã giúp tạo nên sự khác biệt”, Balasubramanian cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, thay vì loại bỏ phốt pho khỏi sắt để ngăn kim loại vỡ ra, người Ấn Độ cổ đại có thể đã giữ nó bên trong hợp chất sắt, dẫn đến sự hình thành của “misawite”.

Thế nhưng, ngay cả những thợ rèn nổi tiếng nhất ở Ấn Độ thời xưa có lẽ cũng không thể ngờ cách luyện kim của họ đã tạo ra một thành công ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, có một vấn đề với “misawite”, là nó cực kỳ mỏng, và có thể dễ dàng bị bong tróc do cọ xát vật lý. Nhận thức được điều này, cơ quan chức năng địa phương đã dựng hàng rào bảo vệ xung quanh cây cột, tránh việc nó liên tục bị khách du lịch từ khắp nơi vô tình làm tổn hại.

Cột sắt Delhi giờ đây không còn bí ẩn, nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn còn nguyên vẹn. Khách thập phương đến đây để chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp tinh tế và sự bền bỉ chứng tỏ kĩ năng luyện kim bậc thầy của người Ấn Độ cổ đại.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments