HomeKhám pháChuyện xảy ra ở "vùng đất chết" Chernobyl - nỗi ám ảnh...

Chuyện xảy ra ở “vùng đất chết” Chernobyl – nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ

Ngày 24/2, lực lượng Nga đã giao tranh dữ dội với Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi cho đến nay vẫn còn dư lượng phóng xạ của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử cách đây 36 năm.

Những dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của giới chuyên môn là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ sau 2 ngày, giới chức Ukraine ghi nhận mức độ bức xạ gamma từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tăng lên đến 9,46 microSievert mỗi giờ, gấp 20 lần so với mức bình thường tại nhiều điểm quan sát có bán kính 2.600 km vuông xung quanh khu vực bị chiếm đóng.

Đến ngày 9/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục đưa thông báo cho biết Chernobyl đã hoàn toàn bị ngắt khỏi mạng lưới điện và không có khả năng khôi phục do tình hình chiến sự căng thẳng. Điều này dẫn tới lo ngại rằng các chất phóng xạ có thể bị rò rỉ từ nhà máy, vì không thể làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sau khi nguồn điện cung cấp không còn.

Vậy, chính xác thì chuyện gì đã xảy ra ở Chernobyl, và tại sao nơi đây lại trở thành một mối nguy hiểm tiềm ẩn với không chỉ khu vực dân cư xung quanh, mà còn với toàn châu Âu trước bối cảnh chiến dịch quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt? 

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 1

Cách đây tròn 36 năm, vào ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl – nằm cách thủ đô Kiev (Ukraine) 110 km về phía Bắc đã bất ngờ phát nổ và bốc cháy dữ dội trong đêm.  

Sự việc bắt nguồn từ 2 vụ nổ lớn tại nhà máy, đã thổi bay nắp lò phản ứng hạt nhân với khối lượng 2.000 tấn, làm rung chuyển các tòa nhà và phun chất phóng xạ vào không khí, bao phủ một khu vực rộng tới 2.600 km vuông xung quanh bằng bụi phóng xạ hạt nhân.

Quan chức chính quyền Liên bang Xô Viết khi ấy đã khiến thảm họa tồi tệ hơn khi nghĩ rằng họ có thể kiểm soát tình hình, và quyết định không thông báo cho công chúng biết chuyện gì đang xảy ra. 

Rốt cuộc, khoảng gần 2 triệu cư dân của thủ đô Kiev không hề hay biết về sự cố, bất chấp nguy cơ phóng xạ luôn đe dọa ở mức cao, cho tới rất cao. Mãi đến khi cư dân tại thị trấn Pripyat được sơ tán khẩn cấp, người dân Ukraine khi ấy mới hay biết thảm họa đã xảy ra từ khi nào.

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 3

Với lượng phóng xạ gấp ít nhất 400 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II, vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl được ghi nhận là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, khiến hàng trăm ngàn người mất chỗ ở và buộc phải tái định cư. Thành phố Pripyat, nơi tọa lạc nhà máy Chernobyl cũng trở thành “thành phố chết” sau vụ nổ, và được chuyên gia cảnh báo rằng “không thể cư trú” trong ít nhất vài thế kỷ – tương đương chu kỳ bán rã của nhiều nguyên tố phóng xạ làm ô nhiễm bầu không khí, nguồn nước, và hệ sinh thái. 

Tới nay, cơ sở tại Chernobyl vẫn bao gồm 4 lò phản ứng hạt nhân, thì 3 trong số đó đã ngừng hoạt động. Lò phản ứng thứ 4 – cũng là nguồn gốc của thảm họa lịch sử xảy ra năm 1986, hiện được bảo vệ bởi một “cỗ quan tài” chứa bê tông bên trong và một lớp vỏ nặng 32.000 tấn bên ngoài. 

Mặc dù lò phản ứng đã được che phủ, nhưng bức xạ vẫn đang làm “nhiễm độc” toàn bộ khu vực xung quanh. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hàng chục nguyên tố phóng xạ đã được phát tán vào không khí trong quá trình tan chảy, với một số nguyên tố được coi là nguy hiểm đối với động vật sống, bao gồm đồng vị iốt 131, stronti 90, cesium 134 và cesium 137; có chu kỳ bán rã lên từ vài trăm, cho tới… 24.000 năm.

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 5
Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 7

Thảm họa ở Chernobyl tưởng như đã chìm vào quên lãng, thì chỉ 2 ngày sau khi lực lượng Nga chiếm quyền kiểm soát khu vực nhà máy hạt nhân Chernobyl, các cảm biến đặt xung quanh để đo bức xạ gamma đã nâng mức hiển thị từ màu xanh lá sang màu đỏ trong bán kính nhiều km.

Các chỉ số được cơ quan quản lý báo cáo là lên đến 9,46 microSieverts mỗi giờ, cao gấp 20 lần so với điều kiện bình thường. Trong đó, Sievert (ký hiệu: Sv) theo Hệ đo lường quốc tế, là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa có tác dụng gây tổn hại. 

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cảnh báo, con số này không phản ánh tình hình trực quan, vì tốc độ gia tăng của bức xạ gamma có thể lên tới hàng tỷ lần chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 9

Theo quy ước, ở mức nanoSieverts (1 phần 1 tỷ của 1 Sievert), hay microSieverts (1 phần 1 triệu của 1 Sievert), con người sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên khi cấp độ hấp thụ bức xạ ion hóa lên tới miliSievet (tương đương 1.000 microSievert), bắt đầu có những tác động của phóng xạ tới cơ thể động thực vật.

Những người ở trong khu vực có thể bị nhiễm phóng xạ, và có các triệu chứng cấp tính như cảm thấy buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng. Lâu ngày, tủy xương, hạch bạch huyết và lá lách có thể bị hư hỏng. 

Khi lên tới 1 đơn vị Sievert, tương đương 1000 lần so với mức giới hạn tiêu chuẩn của năm, mọi thứ bắt đầu trở nên vô cùng nguy hiểm. Theo các tài liệu khoa học, hấp thụ 1 Sievert có thể dẫn tới nhiễm trùng tủy xương nghiêm trọng do tác động của phóng xạ, và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 11

Điều may mắn là tại thời điểm hiện nay, bức xạ gamma dù tăng cao, vẫn chưa ở mức có hại. Đây là điều được nhiều tổ chức khoa học khẳng định sau khi tiến hành quan sát chi tiết những biến chuyển xảy ra tại xung quanh khu vực Chernobyl thời gian qua.

“Tỷ lệ phóng xạ mà họ (con người) nhận được không lớn hơn quá nhiều so với tỷ lệ thông thường ở khu vực đó. Nó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của họ so với mối đe dọa trong chiến tranh”, ông Edwin Lyman, Giám đốc an toàn điện hạt nhân tại Liên minh các nhà khoa học cho biết. 

Dẫu vậy, Lyman thừa nhận rằng cần có thêm những tính toán liên quan tới an toàn năng lượng hạt nhân và nguy cơ xảy ra các vụ nổ khác tại khu vực này trong thời gian tới, vì điều này có thể tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. 

“Đất, bụi, cây cối, bê tông, các thiết bị cũ bị bỏ lại, và thậm chí là động vật sống tại khu vực Chernobyl đều có thể giải phóng ra phóng xạ”, Kyle Hill, cố vấn khoa học cho Nhà Trắng cho biết.  

Theo đó, những sự tác động đủ lớn tới môi trường như xe tăng chạy trên đường, hay các vụ pháo kích thổi tung đất và bê tông vào không khí đều có thể “đóng góp” thêm bức xạ vốn đã ở mức cao tại Chernobyl. Ngoài ra, chưa tính đến trường hợp bom đạn lạc có thể vô tình xuyên thủng hai lớp bảo vệ của lò phản ứng và giải phóng chất phóng xạ ra ngoài.

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 13

Trong khi vấn đề về bức xạ gamma gia tăng còn chưa kết thúc, thì một mối lo khác lại xuất hiện, khi nhà máy hạt nhân Chernobyl rơi vào tình trạng mất điện vào ngày 9/3, khi chiến dịch quân sự của Nga bước sang ngày thứ 14.

Khác với nhà máy hạt nhân đang hoạt động, có thể sử dụng một phần điện mà nó tạo ra để cung cấp năng lượng cho hoạt động của nó, nhà máy Chernobyl của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện từ bên ngoài. Do đó, khi nguồn điện bị cắt, như các quan chức Ukraine và IAEA cho biết hàng loạt vấn đề có thể nảy sinh.

Đầu tiên là khoảng 20.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của nhà máy sẽ không còn được đảm bảo làm mát trong điều kiện lý tưởng, đối mặt nguy cơ làm tăng khả năng bay hơi và dẫn điện của vật liệu hạt nhân, khiến các nhân viên của nhà máy đối mặt nguy hiểm từ rò rỉ phóng xạ.

Tiếp theo là rủi ro liên quan đến lượng lớn chất thải hạt nhân, vốn dĩ là tàn tích của chính lò phản ứng số 4 đã bị phá hủy, với ước tính khoảng 200 tấn nhiên liệu được trộn với bê tông nóng chảy, cát và những hóa chất trút lên lò phản ứng sau thảm họa.

Hỗn hợp có tính phóng xạ cao này được tìm thấy trong toàn bộ những phần còn lại của lò phản ứng, chảy qua các cửa và ống thoát nước, rò rỉ xuống cầu thang và các bộ phận khác trước khi đông cứng lại. Một số vật liệu chứa nhiên liệu nhiễm phóng xạ này nằm ở những nơi hoàn toàn không thể tiếp cận. 

Do vậy, nếu không theo dõi cả độ ẩm và bức xạ, nhân viên tại đây sẽ không biết có bất kỳ phản ứng mới nào xảy ra hay không. Một cựu nhân viên am hiểu về điều kiện tại nhà máy cho biết việc bị mất điện khiến ngay cả hệ thống thông gió giúp kiểm soát độ ẩm cũng đã ngừng hoạt động.

Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 15
Chuyện xảy ra ở vùng đất chết Chernobyl - nỗi ám ảnh kéo dài hàng thế kỷ - 17

Vào năm 2021, trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, đã có những tín hiệu tích cực về cuộc sống thiên nhiên hưng thịnh xung quanh nhà máy Chernobyl, cùng loạt ảnh cho thấy “vùng đất chết” một thời đang dần trở thành “thiên đường tự nhiên” của các loài động, thực vật. 

Cùng với đó, những lượt du khách ngày càng tăng cao tới khu vực nhiễm xạ ở Pripyat như “ánh sáng cuối đường hầm”, đã thắp lên hy vọng cho “thị trấn ma” trên con đường trở lại sau thảm họa. 

Thế nhưng, chiến tranh một lần nữa đã vùi dập tất cả những điều mong manh ấy. Chernobyl từ chỗ như đã có thể chứng kiến sự sống hồi sinh sau hơn 3 thập kỷ, thì nay lại tiếp tục chìm trong bóng tối.

RELATED ARTICLES

Most Popular