Về cơ bản, động lực lớn nhất của người Viking là quyền lực và của cải. Giáo sư khảo cổ học trung cổ Alexandra Sanmark ở Trường đại học Trung du và Hải đảo (Anh) cho biết:
“Người Viking hiểu rất rõ những gì đang xảy ra ở vùng England và trên toàn hòn đảo Anh vào thời đó. Họ biết có nhiều của cải có thể giành được và họ đã giao thương với người dân vùng này trong một thời gian dài. Thế rồi đến một ngày họ nhận ra rằng không cần phải mua bán, trao đổi nữa mà có thể cướp được.”
Đầu tiên, vào Thời đại Viking (khoảng từ năm 793 đến năm 1066) họ tổ chức những đoàn quân gồm trai tráng dong thuyền từ Scandinavia trong những tháng hè để tiến hành những chiến dịch cướp bóc và trở về nhà vào mùa thu.
Theo thời gian, họ bắt đầu ổn định cuộc sống ở những vùng đất mới, mở mang những khu định cư dọc theo những con đường chinh phạt quan trọng.
Có những giai đoạn khi người Viking kiểm soát được những vùng đất rộng lớn, trừ vương quốc Biển Bắc của Cnut Đại đế. Các nhà khảo cổ học gọi người Viking là cướp biển.
Có rất nhiều vị tướng, lãnh chúa thỉnh thoảng hợp tác với nhau để lập nên những đội quân hùng mạnh, hoặc đôi khi họ tiến hành chinh phạt riêng lẻ, tùy theo lợi ích mà họ thấy được. Không có niềm tự hào dân tộc ở đây, chỉ đơn thuần là quyền lực cá nhân và sự giàu có của cá nhân.
Những cuộc khai phá đầu tiên về phía Tây là những vụ cướp bóc ở miền bắc Scotland, nơi họ nhanh chóng kiểm soát được toàn bộ dân chúng và thiết lập các quy định kiểu Viking.
Từ bàn đạp này, họ thực hiện những chuyến đi biển ngắn ngày tới các đảo Hebrides và Faroe gần đó rất dễ dàng, và cuối cùng họ tới được Iceland vào năm 870.
Ấn tượng nhất có lẽ là vào khoảng năm 1000, họ tiến hành những chuyến vượt biển Đại Tây Dương đầu tiên để tới miền tây nam Greenland, rồi sau đó đến tận Newfoundland ở Canada qua một hải trình dài 3.900 km từ quê hương Na Uy.
Nhưng cho dù thành tích đó đã khẳng định kỹ năng đi biển xuất chúng của người Viking, thì bằng chứng cũng cho thấy họ không ở lại lâu trên những vùng đất Bắc Mỹ.
Nhà khảo cổ học Ellen Naess ở Bảo tàng Lịch sử văn hóa ở Oslo, Na Uy, nói rằng chúng ta không biết chắc vì sao họ lại ngừng sinh sống ở Newfoundland, nhưng có một thực tế là nơi đây quá xa quê nhà và các nguồn tài nguyên cũng khá tương đồng với những thứ họ có thể tìm thấy ở nhà nên có lẽ không có động lực để khám phá thêm.
Mặc dù vậy, công cuộc chinh phục về phía đông của người Viking lại có một đặc điểm hoàn toàn khác biệt.
Tận dụng triệt để lợi thế di chuyển bằng đường thủy, các chiến binh Viking đi qua biển Ban Tích và đi dọc các con sông trên đất liền ở Đông Âu và Nga, đi qua vùng Kiev ngày nay của Ukraine và vùng Novgorod của Nga vào những năm 900 và rồi xuống tận vùng Constantinople của Vương quốc Byzantine và Baghdad thuộc Iraq ngày nay vào khoảng năm 1000.
Những nền văn minh ở đây hoàn toàn mới mẻ với người Viking và chắc hẳn họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tòa nhà, các loại trang phục và đồ tạo tác. Ở đây, người Viking chủ yếu tiến hành buôn bán, trao đổi hơn là cướp bóc. Họ ổn định nơi ăn chốn ở cùng người địa phương và trở thành những người rất có quyền lực.
Trên thực tế, rất có thể người Viking đã đi xa hơn thế về phía đông, xa hơn những gì các nhà khảo cổ học có thể chứng minh được.
Giáo sư khảo cổ học Sanmark cho biết: “Chúng ta có thể theo dấu họ qua tập tục mai táng, các vùng định cư hoặc các nguồn tài liệu, và cả những thứ họ mang về quê hương Scandinavia. Ở Thụy Điển, có cả lụa Trung Quốc, nhưng chúng ta không thể khẳng định họ đã đi xa đến đâu để có được thứ lụa này. Tuy vậy, rõ ràng lại họ đã có cách liên hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Không có gì nghi ngờ về việc này cả.”
Công cuộc chinh phục về phía Nam ít để lại dấu ấn hơn. Họ chỉ đi quanh vùng bờ biển phía bắc Francia, ngày nay là nước Pháp, bán đảo Iberian mà ngày nay là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và cuối cùng là dọc theo bờ biển bắc của châu Phi vào đầu thế kỷ XI. Tuy vậy, do điều kiện khô hạn rất khắc nghiệt làm hạn chế giao thông đường thủy nên họ không cố vượt qua Sahara để đi xa hơn nữa sang châu Phi.
Thời đại Viking đã dần chấm dứt vào khoảng giữa thế kỷ XI cùng với sự phát triển quan hệ chính trị với các nền văn hóa khác và sự mở rộng của đạo Công giáo đã làm biến chuyển quan niệm xã hội. Nhưng phải nói rằng trong 300 năm huy hoàng của mình, người Viking đã để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử thế giới.
Nhà khảo cổ học Naess đánh giá rằng về khoảng cách địa lý, Newfoundland có thể là nơi xa nhất họ đặt chân đến, nhưng về khía cạnh văn hóa, Baghdad là hành trình vĩ đại hơn của người Viking mà có lẽ chúng ta chưa biết hết.
Theo LiveScience