HomeKhám pháHé lộ bí ẩn phía sau biểu tượng chữ thập ngoặc trên...

Hé lộ bí ẩn phía sau biểu tượng chữ thập ngoặc trên cờ Đức quốc xã

Hé lộ bí ẩn phía sau biểu tượng chữ thập ngoặc trên cờ Đức quốc xã - 1

Các dạng khác nhau qua thời gian của chữ Vạn, từ trái qua phải: chữ Vạn trên băng đeo tay của Đức quốc xã, chữ Vạn bên cạnh vị thần Bắc Âu Odin, và chữ Vạn trên một bức tượng Phật. (Ảnh: Getty Images và Bảo tàng quốc gia Đan Mạch).

Mới đây, các nhà sử học Đan Mạch vừa công bố họ đã phát hiện ra bằng chứng cổ xưa nhất cho thấy con người tôn sùng thần chiến tranh và chết chóc của Bắc Âu, thần Odin. Bên cạnh chân dung của thần Odin là một ký hiệu nhỏ giống với chữ Vạn từng được coi là biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng và may mắn.

Ngày nay, nhiều người coi chữ Vạn là biểu tượng của sự thù hận, cực đoan và nguy hiểm, mà thực ra nó đã có một lịch sử lâu dài và đa dạng vượt xa khỏi biểu tượng mà Adolf Hitler và Đảng Quốc xã Đức tàn nhẫn từng sử dụng vào thế kỷ trước.

Nguồn gốc của chữ Vạn

Từ “Vạn” xuất xứ từ một từ “svastika” trong tiếng Phạn có nghĩa là “may mắn” hoặc “hạnh phúc”. Theo như chúng ta biết, từ này xuất hiện xa xưa nhất là trên một bức tượng chim bằng ngà voi ma mút 15.000 năm tuổi, do nhà khoa học người Ucraine Federik Volkov tìm thấy.

Trên ngực con chim, mà hiện giờ vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ucraine, có một hình khắc các chữ Vạn nối liền nhau. Bức tượng này được tìm thấy cùng với nhiều đồ vật có hình dương vật, cho thấy rằng chữ Vạn được dùng như một biểu tượng may mắn để cầu mong khả năng sinh sản dồi dào.

Hé lộ bí ẩn phía sau biểu tượng chữ thập ngoặc trên cờ Đức quốc xã - 2

Nghệ thuật trang trí bằng màu sắc Rangoli trong lễ hội ánh sáng Diwali ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images).

Chữ Vạn ở châu Á

Ngày nay, chữ Vạn vẫn được sử dụng rộng rãi trong một số tôn giáo ở Ấn Độ.

Trong Kỳ Na giáo, chữ Vạn tượng trưng cho bốn trạng thái tồn tại: Thiên giới, Nhân loại, Địa ngục và cuộc sống gần giống loài người. Trong tín ngưỡng Hỏa giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới, bốn ngạnh của chữ Vạn tượng trưng cho nước, lửa, không khí và đất. Còn trong Phật giáo, ký hiệu này được dùng để thể hiện bước chân của Đức Phật. Trên khắp Ấn Độ, biểu tượng này được vẽ ở cánh cửa vào các cửa hàng, trên phương tiện giao thông, bao bì đựng thực phẩm và ở các lễ hội.

Nhiều vùng khác ở châu Á cũng du nhập ký hiệu này. Ở Trung Quốc, đây là biểu tượng có ý nghĩa “nguồn gốc của mọi điều may mắn” do Hoàng đế Võ Tắc Thiên dùng đầu tiên vào năm 693. Theo Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương, khi cầu khấn mà dùng thêm chữ Vạn thì điều cầu khấn đó sẽ tăng thêm giá trị gấp 10.000 lần.

Chữ Vạn ở châu Âu

Các tín đồ tôn giáo Bắc Âu đã sử dụng biểu tượng chữ Vạn ngay từ năm 401, phổ biến nhất là cùng với những mô tả về Thor, vị thần của sấm sét, bầu trời và nông nghiệp. Biểu tượng này cũng được vẽ bên cạnh hình ảnh của vị thần cha của Thor là thần Odin.

Không chỉ người Bắc Âu sử dụng chữ Vạn. Người Celts, Druids và Vikings cũng sử dụng ký hiệu này.

Theo chuyên gia nghệ thuật người Mỹ Steven Heller, chữ Vạn được dùng ở châu Âu để thể hiện sự may mắn từ xa xưa đến tận đầu thế kỷ XX. Người châu Âu sử dụng ký hiệu này theo nhiều cách trước khi Hitler thay đổi nó. Họ coi đây là biểu tượng của sự may mắn, khả năng sinh sản, hạnh phúc, Mặt Trời và nó mang ý nghĩa tinh thần cũng như giá trị thương mại khi được in cùng với các nhãn hiệu hàng hóa.

Gần 100 năm trước, nhiều công ty dùng biểu tượng này trên nhãn hiệu hàng hóa của mình. Công ty bia Carlsberg in hình chữ Vạn cùng với logo công ty. Không quân Phần Lan và thậm chí cả Hướng đạo sinh Anh cũng dùng biểu tượng này.

Tuy vậy, mọi thứ đều thay đổi bắt đầu từ những năm 1920.

Hé lộ bí ẩn phía sau biểu tượng chữ thập ngoặc trên cờ Đức quốc xã - 3

Một chai bia của hãng Carlsberg có nhãn hiệu đi cùng với chữ Vạn. (Ảnh: Getty Images).

Được Đức quốc xã lựa chọn

Một số nhà nghiên cứu cho rằng những người theo văn hóa Aryan sử dụng biểu tượng này làm dấu hiệu của may mắn và thịnh vượng.

Chủ nghĩa Thượng đẳng Aryanism thường gắn với niềm tin về sự thuần khiết chủng tộc, nhưng theo Bảo tàng tưởng niệm Holocaust ở Mỹ, người Aryan có nguồn gốc Ấn – Âu và sinh sống khắp Ấn Độ, Iran (thời đó là Ba Tư), và châu Âu.

Sự phân loại của Chủ nghĩa Thượng đẳng thường được dùng để nói đến các ngôn ngữ chung được sử dụng trong nền văn hóa đó, nhưng sau đó nó được sử dụng như một cách phân loại chủng tộc.

Sự giống nhau giữa các ngôn ngữ Aryan với tiếng Đức được cho là đã ảnh hưởng đến niềm tin của Hitler. Ông ta cho rằng người Aryan, đặc biệt là những người từ Ấn Độ và người Đức có dòng dõi “thuần khiết”.

Sau khi Đảng Quốc xã của Hitler chọn chữ Vạn làm biểu tượng chính thức vào năm 1920, nó dần dần được coi là biểu tượng của sự thuần chủng chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố toàn trị.

Và như vậy, chữ Vạn đã đi một chặng đường dài để rồi biến đổi từ nguồn gốc ban đầu là biểu thị sự may mắn. Khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933, Hitler ban sắc lệnh rằng lá cờ của Đức phải được treo cùng với lá cờ đỏ nổi tiếng có hình chữ Vạn màu đen rất to.

Ngày nay, chữ Vạn với ý nghĩa cao đẹp một thời lại bị coi là hiện thân của cái ác, đại diện cho nạn diệt chủng, phòng hơi ngạt và hàng triệu người đã bị giết trong nạn diệt chủng Holocaust.

Mặc dù vậy, một số người đang cố gắng thay đổi điều đó. Họ không muốn mọi người quên đi sự tàn bạo của Đế chế thứ ba của Hitler nhưng vẫn muốn làm sống lại ý nghĩa văn hóa rộng lớn của chữ Vạn.

Vào năm 2022, diễn viên Sheetal Deo người Ấn Độ ở New York, Mỹ, nơi có 1,6 triệu người Do Thái sinh sống, cho biết cô được yêu cầu gỡ bỏ hình trang trí Diwali – lễ hội ánh sáng trong Ấn Độ giáo – trong nhà của cô vì có biểu tượng chữ Vạn, nhưng cô không nghĩ rằng mình phải xin lỗi vì dùng biểu tượng thiêng liêng đó chỉ đơn giản vì nó thường bị nhầm lẫn với cách hiểu tiêu cực.

Nhưng chuyên gia nghệ thuật Steven Heller nói rằng “một bông hoa hồng dù có bất kỳ tên gọi nào vẫn là một bông hoa hồng, chỉ là cách mà biểu tượng đó tác động đến thị giác và cảm xúc của bạn. Đối với nhiều người, nó tạo ra tác động theo bản năng chứ không theo lý trí, và không may sự thật là như vậy.”

RELATED ARTICLES

Most Popular