Theo một nghiên cứu được công bố ngày 16/5, các nhà khoa học lần đầu tiên giải đáp được bí ẩn lớn, tồn tại nhiều thiên niên kỷ, về cách người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra một nhánh sông Nile dài 64 km bị ẩn dưới lớp cát sa mạc và đất nông nghiệp suốt hàng ngàn năm.
Nhánh sông này chạy qua khu phức hợp kim tự tháp Giza mang tính biểu tượng cùng các kỳ quan khác. Trong tài liệu, nhánh sông được họ gọi là Ahramat – hay “kim tự tháp” trong tiếng Ả Rập.
Sự tồn tại của nhánh sông đã giải thích tại sao tổng số 31 kim tự tháp Ai Cập đều được xây dựng thành một chuỗi dọc theo dải sa mạc khắc nghiệt ở Thung lũng sông Nile trong khoảng thời gian 4.700 – 3.700 năm trước.
Các công trình đáng chú ý gồm có Kim tự tháp Giza vĩ đại – công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại – cũng như các kim tự tháp Khafre, Cheops và Mykerinos.
Để tìm ra nhánh sông này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh radar để lập bản đồ địa chất. Radar mang lại khả năng giúp nhìn xuyên qua bề mặt cát và mô phỏng hình ảnh về những đặc điểm bị ẩn giấu, bao gồm những dòng sông bị chôn vùi và các công trình kiến trúc cổ xưa.
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng từng đặt giả thuyết khi cho rằng người Ai Cập cổ đại đã sử dụng một tuyến đường thủy gần đó để di chuyển những vật liệu khổng lồ trong quá trình xây dựng kim tự tháp.
Tuy nhiên giờ đây, giả thuyết này đã được chứng minh. Theo tạp chí Communications Earth & Environment, các cuộc khảo sát tại hiện trường và lõi trầm tích từ khu vực này đã xác nhận sự hiện diện của dòng sông.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhánh sông bị bao phủ bởi cát, có khả năng bắt đầu từ một đợt hạn hán lớn khoảng 4.200 năm trước.
Dẫu vậy theo Eman Ghoneim, tác giả chính của nghiên cứu, hiện vẫn chưa thể chắc chắn về hình dạng và độ dài của tuyến đường thủy khổng lồ này.