HomeKhám pháHé lộ bí mật không ngờ của Beethoven nhờ xét nghiệm DNA

Hé lộ bí mật không ngờ của Beethoven nhờ xét nghiệm DNA

Hé lộ bí mật không ngờ của Beethoven nhờ xét nghiệm DNA - 1

Chân dung Beethoven, do Karl Joseph Stieler vẽ năm 1820. (Ảnh:Karl Joseph Stieler/PD).

Tháng 3/1827, vào một ngày thứ Hai mưa bão, nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven từ giã cõi đời sau một thời gian lâm bệnh. Nằm liệt giường từ Giáng sinh năm trước do bệnh vàng da tấn công, chân tay và bụng ông sưng phù, mỗi lần thở là một cơn vật vã.

Khi những người thân phân loại đồ đạc cá nhân còn lại của ông, họ phát hiện ra một tài liệu mà ông đã viết từ một phần tư thế kỷ trước đó, một di chúc cầu xin những người anh em của ông tiết lộ chi tiết về tình trạng của ông cho công chúng biết.

Ngày nay, chúng ta không lạ gì đặc điểm của ông, một trong những nhạc sỹ vĩ đại nhất thế giới, là bị điếc chức năng từ những năm ở tuổi 40. Đó là một điều trớ trêu bi thảm mà Beethoven ước cả thế giới hiểu được, không chỉ từ góc độ cá nhân mà còn từ góc độ y học.

Gần hai thế kỷ sau cái chết của nhà soạn nhạc, một nhóm các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thực hiện di chúc của ông theo cách mà ông chưa bao giờ hình dung nổi, đó là phân tích di truyền DNA trong các mẫu tóc được xác thực là của ông.

Hé lộ bí mật không ngờ của Beethoven nhờ xét nghiệm DNA - 2

Một lọn tóc thật của Beethoven, được đính kèm với lá thư gửi vào năm 1827 và bức ảnh này do Kevin Brown, một thành viên Hội Beethoven Mỹ, chụp vào năm 2018. (Ảnh: Begg et al., Current Biology, 2023).

Nhà hóa sinh học Johannes Krause ở Viện Max Planck, Đức, cho biết mục đích chính của nghiên cứu là làm sáng tỏ các vấn đề sức khỏe của Beethoven, trong đó nổi bật nhất là tình trạng mất thính lực tiến triển, bắt đầu từ giữa đến cuối lứa tuổi 20 và cuối cùng dẫn đến việc ông bị điếc chức năng vào năm 1818.

Nguyên nhân chính của việc ông bị mất thính giác chưa bao giờ được tìm hiểu rõ, ngay cả bác sỹ riêng của ông, bác sỹ Johann Adam Schmidt, cũng không hiểu hết. Những triệu chứng ban đầu là ù tai khi ông ở độ tuổi 20, sau đó là giảm khả năng chịu đựng tiếng ồn lớn, rồi cuối cùng là mất khả năng nghe những âm thanh ở âm vực cao.

Điều này đã kết thúc sự nghiệp biểu diễn của ông. Đối với một nhạc sỹ, không gì cay đắng hơn thế. Trong một lá thư gửi những người em trai, nhà soạn nhạc thừa nhận rằng ông “đau khổ vô vọng” đến mức muốn tự tử.

Không chỉ có chứng mất thính giác hành hạ ông. Ít nhất là người ta biết rằng từ năm 22 tuổi, ông còn hay bị đau bụng dữ dội và tiêu chảy mãn tính. Sáu năm trước khi qua đời, ông còn gặp những dấu hiệu đầu tiên của bệnh gan, một căn bệnh được cho một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông ở tuổi 56.

Năm 2007, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra pháp y đối với một lọn tóc được cho là của Beethoven. Kết quả cho thấy ngộ độc chì có thể đã đẩy nhanh tình trạng suy sụp sức khỏe dẫn đến cái chết của ông.

Với văn hóa uống rượu từ bình chứa bằng chì và các phương pháp điều trị y tế thời bấy giờ liên quan đến việc sử dụng chì thì kết luận trên không có gì đáng ngạc nhiên.

Mặc dù vậy, nghiên cứu mới lần này lại bác bỏ giả thuyết đó, mà cho rằng lọn tóc đó không phải của Beethoven mà của một người phụ nữ vô danh. Điều quan trọng hơn là một số lọn tóc đã được khẳng định là của ông lại cho thấy ông chết do nhiễm trùng viêm gan B, căn bệnh càng nặng hơn do ông uống rượu và vô số yếu tố khác. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không thể tìm ra nguyên nhân chính xác khiến Beethoven bị điếc hoặc mắc vấn đề về tiêu hóa.

Có thể nhiều người trong chúng ta còn có nhiều câu hỏi hơn về cuộc đời và cái chết của nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng. Ông bị mắc bệnh viêm gan ở đâu? Làm thế nào mà một lọn tóc của một phụ nữ lại được cho là của Beethoven trong suốt nhiều thế kỷ? Và điều gì đằng sau những cơn đau bụng và mất thính giác của ông?

Được truyền cảm hứng từ mong muốn của chính nhà soạn nhạc là được thế giới hiểu rõ về tình trạng mất thính lực của ông, nhóm nghiên cứu đã tiến hành những xét nghiệm điều tra này, nhưng kết quả thu được chưa đầy đủ và đáng tiếc cho nhóm.

Tuy vậy, vẫn còn một điều ngạc nhiên nữa vẫn ẩn giấu trong gen của ông từng đấy năm qua. Khi điều tra sâu hơn bằng cách so sánh nhiễm sắc thể Y trong các mẫu tóc với nhiễm sắc thể của những người thân trong họ hàng của ông còn sống hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự không trùng khớp.

Dường như đã có sự việc ngoại tình trong các thế hệ dẫn đến sự ra đời của nhà soạn nhạc. “Phát hiện này cho thấy một mối quan hệ cha con do giao phối ngoài cặp về phía họ nội của ông giữa việc thụ thai Hendrik van Beethoven ở Kampenhout, Bỉ, vào năm 1572 và việc thụ thai Ludwig van Beethoven bảy thế hệ sau vào năm 1770 ở Bonn, Đức.” – nhà nhân chủng học sinh học Tristan Begg, ở Trường đại học Cambridge, Anh, cho biết.

Điều này có lẽ lại là quá nhiều so với mong muốn của Beethoven trẻ khi ông viết di chúc muốn được công khai tình trạng sức khỏe của mình. Chắc hẳn ông không bao giờ, kể cả trong mơ, lại nghĩ rằng những bí mật như vậy sẽ được phát hiện khi bạn bè và người thân cắt những lọn tóc của ông vào cái đêm thứ Hai giông bão ảm đạm năm 1827 ấy.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments