HomeBlogHimeji – Lâu đài Hạc Trắng

Himeji – Lâu đài Hạc Trắng

Bạn đang xem bài viết Himeji – Lâu đài Hạc Trắng tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.

Lâu đài Himeji nằm ở trung tâm thành phố Himeji, cách thủ đô Osaka – Nhật Bản 100 km về phía Đông. Đây là một trong những kiến trúc cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản, là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản.

Lâu đài Himeji – Lâu đài Hạc Trắng

himeji-–-lau-dai-hac-trang-ivivu-1

Lịch sử xây dựng lâu đài

Himeji còn có cái tên là “White Heron” (Hạc Trắng) bởi người Nhật cho rằng, hình tượng con hạc trắng – một loài chim cao quý, tượng trưng cho sự thanh khiết cao thượng của người quân tử.

Lâu đài Himeji tồn tại từ năm 1333, khi Akamatsu Norimura xây dựng một pháo đài trên đỉnh đồi Himeyama, thành phố Himeji, Hyogo. Năm 1346, pháo đài được tháo dỡ và tu sửa thành lâu đài Himeyama, và hai thế kỷ sau đó được tái thiết thành lâu đài Himeji. Đến năm 1618, tòa lâu đài mới được coi là hoàn thành. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, lâu đài chưa từng bị hư hại, phá hủy bởi thiên tai hay các cuộc tấn công, thậm chí là công trình sống sót ngay cả trong trận ném bom của Thế chiến II. Himeji là tòa thành nổi tiếng nhất trong “Tam đại quốc bảo thành” (tức ba tòa thành quý quốc gia) của Nhật Bản (cùng với thành Matsuraoto và thành Kumamoto). Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 và là di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản.

Lâu đài Himeji được xây bằng gỗ (tổng cộng khoảng 36 tấn) và được phủ thạch cao trắng. Cả khu quần thể có diện tích 233 hecta, bao gồm tổ hợp 83 công trình với hệ thống phòng thủ tiên tiến từ thời phong kiến. Có 74 trong số 83 công trình này được coi là Tài sản Văn hoá Quan trọng, trong đó có: 11 hành lang, 16 tháp pháo, 15 lối cổng và 32 bức tường bằng đất. Lâu đài Hạc Trắng được xem như một đại diện điển hình của kiến trúc lâu đài Nhật Bản nguyên mẫu với nhiều tính năng phòng thủ và kiến trúc gắn liền với cấu trúc lâu đài của Nhật Bản. Nhờ cấu trúc phức tạp như mê cung và hệ thống đặt bẫy được gài ở khắp nơi mà quân địch bên ngoài khó tiếp cận tháp canh. Đây là một lý do giúp tòa lâu đài tránh được khói lửa chiến tranh trong lịch sử.

Lễ rước truyền thống của Nhật Bản được tổ chức tại lâu đài Hemeji.

Lễ rước truyền thống của Nhật Bản được tổ chức tại lâu đài Hemeji.

Nhìn từ trên xuống, bình diện lâu đài Himeji như một ốc đảo hình bầu dục. Viền bên ngoài là một hào nước sâu, bao quanh lâu đài là một bức tường đá, rồi đến một dải cây, chủ yếu là tùng bách viền quanh. Ngoài cùng, bao bọc lấy cả lâu đài là một khu công viên rộng rãi. Lâu đài không có nhiều cổng ra vào, lối vào lâu đài ở chính hướng Nam rất kiên cố.

Công trình đẹp dưới mọi góc nhìn

Cổng và tường bao được thiết kế xoắn ốc như mê cung của lâu đài nhằm làm rối trí binh lính đối phương. Cổng Hishi (Cổng Kim cương) là cổng chính vào lâu đài. Đây là cổng giữa hai bức tường thành Sannomaru với Ninomaru và vẫn mang hình thù nguyên thủy từ thời Azuchi Momoyama. Từ bên ngoài, có vẻ như nơi đây có năm tầng, nhưng thật ra nơi đây có tới sáu tầng cộng thêm một tầng hầm, được dựng nên bởi những chiếc cột gỗ có đường kính lớn, chống thẳng chịu lực. Những trụ cột to thuộc loại đại cổ thụ hiếm thấy và được làm từ loại gỗ bách. Các xà ngang, xà dọc cũng được làm từ gỗ, ngay cả những vách ngăn cũng được làm từ những ván gỗ xẻ, không sơn mà vẫn mang màu tự nhiên của vỏ gỗ. Đặc biệt, cầu thang nối các tầng được thiết kế không trùng nhau ở cùng một vị trí toạ độ mà được bố trí rải rác tạo nên những góc hiểm giúp cho công việc phòng thủ lợi hại.

Những chiếc áo giáp của Nhật Bản được trưng bày tại lâu đài Hemeji.

Những chiếc áo giáp của Nhật Bản được trưng bày tại lâu đài Hemeji.

Các lối đi bên trong lâu đài ngoằn ngoèo giống như một mê cung, vì thế lâu đài Himeji được ví như “bất khả xâm phạm”. Ngày nay bên trong lâu đài cũng được dán các biển chỉ dẫn lối đi nên quý khách cũng không lo lắng bị lạc đường. Hơn nữa đến đây, bạn còn có thể gặp các hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình và giàu kinh nghiệm.

Bên ngoài lâu đài là những khuôn viên mang tên Akarui (nghĩa là: áng sáng), với nhiều loại cây quý hiếm được trồng ở đây kết hợp với những ao cá tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Nơi đây là chỗ đi dạo, ngắm cảnh của các vua chúa ngày xưa. Ở phía Nam của lâu đài, quý khách có thể thấy một cái giếng cạn nhỏ có xây thành bằng các trụ đá.

Một trong những nét nổi bật về dáng vẻ bên ngoài của tòa lâu đài Himeji là màu bạc của mái ngói kết hợp hài hòa với màu trắng của vách tường. Có 56 loại ngói được sử dụng trong việc tô điểm cho lâu đài này. Các miếng ngói nhỏ hình tam giác ở rìa của phần mái là một trong những nét độc đáo trong việc thiết kế lâu đài. Chúng giúp nước mưa chảy hết xuống một con rãnh phía dưới và dẫn vào một bộ lọc nước phục vụ nước uống và nước sinh hoạt cho những người sống trong lâu đài.

Lâu đài Himeji không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là một công trình quân sự độc đáo, được truyền tụng là một công trình đẹp dưới mọi góc nhìn.

Đặc biệt, nếu có dịp đến đây vào mùa xuân thì du khách sẽ phải ngất ngây trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của hoa anh đào, hoa mận xung quanh vườn Nishinomaru xinh đẹp của lâu đài Hạc Trắng. Quả thật đây là một không gian rất tuyệt khi chiêm ngưỡng tòa thành Himeji tráng lệ với sắc hồng trắng quyến rũ ngập tràn, những cánh hoa lướt nhẹ trong làn gió xuân như khiến cho lòng người thêm xao xuyến, lưu luyến mãi chẳng muốn rời đi.

Theo Vanhien.vn

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Cảm ơn bạn đã xem bài viết Himeji – Lâu đài Hạc Trắng tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.

RELATED ARTICLES

Most Popular