Một nghiên cứu mới đây đã trở thành chủ đề gây tranh cãi khi đưa ra nhận định rằng việc tìm thấy một hộp sọ vượn người cổ đại làm lung lay niềm tin bấy lâu nay rằng tổ tiên loài người và vượn người tiến hóa từ châu Phi.
Một phần của một chiếc xương sọ của một con vượn, được đặt tên là Anadoluvies Turkae, do các nhà nghiên cứu phát hiện ở Cankiri, Thổ Nhĩ Kỳ, được xác định có niên đại 8,7 triệu năm.
Trong khi đó, từ trước đến nay chúng ta vẫn tin rằng các bằng chứng được cho là cổ xưa nhất của giống người sơ khai (vượn châu Phi và vượn người) được tìm thấy ở châu Phi và có niên đại khoảng 7 triệu năm.
Phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức nhận định lâu nay rằng tổ tiên của vượn châu Phi và loài người có nguồn gốc duy nhất là ở châu Phi.
Nếu đúng hộp sọ ở Thổ Nhĩ Kỳ có niên đại 8,7 triệu năm thì có lẽ tổ tiên chúng ta tiến hóa đầu tiên ở châu Âu trước khi di cư đến châu Phi.
Giáo sư David Begun, nhà cổ sinh vật học ở Trường đại học Toronto, đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này củng cố cho một luồng ý kiến cho rằng tông người không chỉ tiến hóa ở Tây và Trung Âu.
Thay vào đó, quá trình tiến hóa ở những vùng này diễn ra hơn 5 triệu năm và mở rộng vùng sinh sống của tông người đến phía Đông Địa Trung Hải rồi sau đó đến châu Phi, với nguyên nhân có thể là do môi trường biến đổi và các vùng rừng suy thoái.
Ông nói: “Bằng chứng mới này càng khẳng định giả thuyết cho rằng tông người có nguồn gốc từ châu Âu và di chuyển đến châu Phi cùng với nhiều động vật có vú khác vào khoảng 9 đến 7 triệu năm trước, mặc dù bằng chứng này không hoàn toàn chứng minh cho giả thuyết đó.”
Ông cũng nói thêm rằng để chứng minh, chúng ta cần có thêm các hóa thạch ở châu Âu và châu Phi có niên đại từ 7 đến 8 triệu năm để làm xét nghiệm và tìm ra mối liên hệ giữa hai nhóm người tiền sử này.
Phát hiện nói trên cho thấy vượn người có trọng lượng khoảng 60 đến 70 kg, sống trong rừng khô và dành nhiều thời gian sinh sống dưới đất.
Hộp sọ ở Thổ Nhĩ Kỳ được tìm thấy vào năm 2015. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và mới đây đã công bố rộng rãi.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khác nói rằng những phát hiện nói trên không hề làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc loài người.
Giáo sư Chris Stringer, trưởng nhóm nghiên cứu tiến hóa loài người ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, Anh, nói rằng tranh luận về vượn người và nguồn gốc loài người vẫn diễn ra từ lâu nay.
“Tôi không cho rằng phát hiện này khác nhiều so với các cuộc thảo luận (trong một bài báo gần đây trên tạp chí Khoa học) đã kết luận rằng bằng chứng hiện tại cho thấy vượn người có nguồn gốc ở châu Phi từ tổ tiên là vượn Miocene và không giống bất kỳ loài nào khác”, ông nói.