HomeKhám pháKhám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có...

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử

Trong tự nhiên, chỉ có một số ít cây có thể tự đứng vững trong nhiều thiên niên kỷ. Những cây cổ thụ này là nhân chứng cho sự trỗi dậy và sụp đổ của các nền văn minh, đứng vững qua sự biến đổi của khí hậu của thế giới.

Dưới đây là những cây cổ thụ lâu đời trên thế giới đã được con người phát hiện.

Cây bách Gran Abuelo (độ tuổi gần 5.500 năm)

Cây bách cổ thụ này được tìm thấy trong Vườn quốc gia Alerce Costero ở Chile, được cho là cây gỗ lâu đời nhất thế giới còn sống. Ban đầu loài cây này được xác định có niên đại là 3.464 tuổi, nhưng các nhà thực vật học mới đây đã xác định và khẳng định cây gỗ này có tuổi thọ là 5.484 tuổi.

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 1
Cây bách cổ thụ Gran Abuelo (Ảnh: Treehugger).

Đây là loài thực vật hạt trần, họ cây bách cao tới 60 mét, loài cây này vốn phát triển rất chậm. Mặc dù đã tổn tại và phát triển hàng nghìn năm nhưng các nhà khoa học cho rằng, tương lai của cây Gran Abuelo vẫn còn là một ẩn số.

Sự biến đổi khí hậu, những đợt hạn hán kéo dài hàng chục năm đang dần làm hư hại thân cây cổ hùng vĩ Gran Abuelo. Đồng thời, ngày càng có nhiều khách du lịch tới để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây bách cổ thụ này là nguyên nhân gây tổn hại tới tuổi thọ của nó.

Cây thông Methuselah (độ tuổi 4.848 năm)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 2
Một cây thông cổ thụ lông cứng trên Núi Trắng, Mỹ (Ảnh: Treehugger).

Methuselah là một loài thông cổ thụ lông cứng và được cho là sinh vật vô tính cổ xưa nhất từng được biết đến trên Trái Đất. Nó được xác định là 4.848 năm tuổi, cái tên Methuselah được đặt bởi Schulman – người đầu tiên tìm ra cây này. Trong Kinh Thánh, Methuselah là ông nội của Noah vị tộc trưởng cuối cùng trước trận Đại Hồng Thủy, thọ 969 tuổi.

Cây thông này phát triển trong khu đất đá nghèo dinh dưỡng trong rừng quốc gia Inyo, White Mountains (Núi Trắng), bang California, Mỹ và luôn phải đối mặt nhiệt độ khắc nghiệt vào mùa hè và bị bao phủ trong tuyết vào mùa đông.

Bên cạnh đó, trong Rừng Quốc gia Inyo, một cây thông lông cứng khác trong khu vực đã được phát hiện hơn 5.000 năm tuổi. Methuselah và các vị trí chính xác của các cây thông cổ thụ chưa đặt tên được giữ bí mật chặt chẽ nhằm mục đích bảo vệ chúng khỏi sự đe dọa từ con người.

Cây bách Sarv-e Abarqu (khoảng 4.000 năm tuổi)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 3
Cây bách Sarv-e Abarqu (Ảnh: Treehugger).

Sarv-e Abarqu hay còn được gọi là “Zoroastrian Sarv”, là một cây bách nằm ở tỉnh Yazd, Iran. Cây ước tính có độ tuổi ít nhất là 4.000 năm tuổi, đã sống qua thời kỳ bình minh của nền văn minh nhân loại và được coi là một di tích quốc gia của Iran. 

Nhiều nhà thực vật cho rằng, Sarv-e Abarqu rất có thể là sinh vật sống lâu đời nhất ở châu Á. Cây có chiều cao 25 mét và chu vi thân là 11,5 mét.

Cây thủy tùng Llangernyw (khoảng 4.000 năm tuổi)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 4
Cây thủy tùng Llangernyw (Ảnh: Treehugger).

Llangernyw là một loài thủy tùng nằm trong một khu vườn nhỏ của Nhà thờ St. Dy Gain ở làng Llangernyw, Bắc Xứ Wales, Vương quốc Anh. Cây có niên đại khoảng 4.000 năm tuổi.

Mặt khác, người dân ở đây cho biết, cây tùng bách có nguồn gốc từ thần thoại xứ Wales vì cây này được liên kết với một truyền thống địa phương. Theo đó, nhà thờ Saint Dy Gain có một linh hồn cổ xưa được gọi là Angelystor hay “Thiên thần ghi âm”.

Truyền thống này tin rằng, vào mùa Halloween, có một tiếng nói dõng dạc báo vang lên báo trước tên của giáo dân sẽ chết vào năm sau. Dân gian kể về một người đàn ông địa phương tên là Sion Ap Rhobert, đã thách thức sự tồn tại của linh hồn trong đêm Halloween chỉ để nghe tên của chính mình được gọi và anh ta đã chết trong năm sau đó.

Cây thủy tùng này được trồng vào thời kỳ đồ đồng tiền sử và nó vẫn đang phát triển đến ngày nay. Năm 2002, nhân ngày lễ kỷ niệm vàng của Nữ hoàng Elizabeth II, Hội đồng Cây nước Vương quốc Anh đã công nhận cây thủy tùng này là một trong 50 cây vĩ đại của Anh. 

Cây bách hói Senator (khoảng 3.500 năm tuổi)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 5
Cây bách hói Senator (Ảnh: Treehugger).

Mặc dù Senator đã phải chịu thảm kịch vào năm 2012, sau một trận hỏa hoạn khiến phần lớn cây bị đổ, nhưng loài cây mang tính biểu tượng này vẫn được nhắc đến ở đây. 

Senator là cây bách hói lớn nhất ở Mỹ và được coi là cây lâu đời nhất trong số các loài còn tồn tại của nó. Theo ước tính cây bách này có niên đại khoảng 3.500 năm tuổi, Senator được sử dụng làm địa danh cho người da đỏ Seminole và các bộ lạc bản địa khác. 

Kích thước của Senator đặc biệt ấn tượng vì nó đã phải chịu đựng nhiều cơn bão, trong đó có một cơn bão vào năm 1925 khiến chiều cao của nó giảm đi hơn 12 mét.

Cây ô liu Vouves (độ tuổi hơn 3.000 năm)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 6
Cây ô liu Vouves (Ảnh: Treehugger).

Cây ô liu cổ đại này nằm trên đảo Crete của Hy Lạp và là một trong bảy cây ô liu ở Địa Trung Hải được cho là có tuổi đời ít nhất 2.000 đến 3.000 năm. Mặc dù không thể xác minh tuổi chính xác của nó, nhưng cây ô liu ở Vouves có thể là cây lâu đời nhất của loài cây này.

Ước tính cây có niên đại khoảng hơn 3.000 năm tuổi. Hiện tại, dù đã quá già nhưng nó vẫn tạo ra quả ô liu với chất lượng được đánh giá cao. Mặt khác, nó vô cùng cứng cáp, chịu hạn, chống bệnh tật và cháy rất cao.

Cây tuyết tùng Jomon Sugi (khoảng 2.000 năm tuổi)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 7
Cây tuyết tùng lâu đời nhất thế giới (Ảnh: Treehugger).

Jōmon Sugi, nằm ở Yakushima, Nhật Bản, là cây tuyết tùng lâu đời nhất thế giới, sự xuất hiện của loài cây này là một trong nhiều lý do tại sao hòn đảo được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Cây được phát hiện ông Iwakawa phát hiện vào năm 1966 nằm ở độ cao 1.300 mét so với mặt nước biển và đặt tên là Jomon Sugi do nó tồn tại từ thời đại Jomon của Nhật Bản. 

Cây có chiều cao 253 mét là biểu tượng của thế giới tự nhiên và người dân trên hòn đảo này.

Cây có niên đại ít nhất 2.000 năm tuổi, nhưng một số chuyên gia tin rằng nó có thể già hơn 3.000 năm tuổi. Theo giả thuyết đó, có thể Jōmon Sugi là cây lâu đời nhất trên thế giới – thậm chí còn già hơn cả Methuselah và những người anh em của nó.

Cây hạt dẻ One Hundred Horses (khoảng 2.000 đến 4.000 năm tuổi)

Khám phá những cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới, có cây từ thời tiền sử - 8
Cây hạt dẻ One Hundred Horses (Ảnh: Treehugger).

Cây hạt dẻ này nằm trên núi Etna ở Sicily, Ý. Đây là cây hạt dẻ lớn nhất và lâu đời nhất được biết đến trên thế giới. Các chuyên gia dự đoán cây có niên đại từ 2.000 đến 4.000 năm tuổi và có chu vi là 58 mét.

Tuổi của cây này đặc biệt ấn tượng vì Núi Etna là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới và nó nằm cách miệng núi lửa Etna chỉ 8 km.

Cái tên “One Hundred Horses” (tạm dịch: Một trăm con ngựa) bắt nguồn từ một truyền thuyết, trong đó một đại đội gồm 100 hiệp sĩ đã bị mắc kẹt trong một trận giông bão nghiêm trọng và tất cả họ đều đã sống sót nhờ trú ẩn dưới gốc cây to lớn.

RELATED ARTICLES

Most Popular