Năm 2021, trong bối cảnh thế giới vẫn “căng mình” đối phó với đại dịch Covid-19, chúng ta như cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn, vì ít những chuyến đi chơi, kế hoạch, hay thậm chí là công việc cũng bị gián đoạn.
Điều thú vị là theo các nhà khoa học – về mặt khách quan – năm 2021 thực sự là một năm ngắn hơn bình thường, thậm chí là ngắn nhất từ trước tới nay, dù điều này khó để bất kỳ ai cảm nhận theo một cách thông thường.
Cụ thể, theo Graham Jones, trưởng nhóm nghiên cứu tại tổ chức TimeAndDate cho biết, năm 2021 chỉ ngắn hơn một năm bình thường khoảng 65 mili-giây. Nguyên nhân của điều này là do tốc độ Trái Đất đang quay đang nhanh hơn. (Chú thích: 1000 mili-giây = 1 giây).
“Chỉ một thay đổi nhỏ trong tốc độ quay của Trái Đất cũng có thể khiến một ngày dài hoặc ngắn hơn một phần nhỏ của giây so với mức tiêu chuẩn là 86.400 giây”, Jones cho biết. “Một kỷ lục mới đã được ghi nhận. Năm 2021 là năm ngắn nhất”.
Được biết, kể từ những năm 1960, các nhà khoa học đã đo độ dài một ngày trên Trái Đất bằng đồng hồ nguyên tử, với độ chính xác đến kinh ngạc, lên đến 0,0000001 giây.
Tiếp đó, khi thời gian nguyên tử được quốc tế chấp thuận vào năm 1967, các đồng hồ nguyên tử cho thấy sự ổn định hơn khoảng 100 lần so với năm Mặt Trời. Trong suốt 30 năm qua, đồng hồ nguyên tử đã được cải tiến hơn một triệu lần, trở thành công cụ đo cực kỳ chính xác.
Cũng nhờ đồng hồ nguyên tử, các nhà khoa học biết chính xác thời điểm độ dài của một ngày bị sai lệch là bao nhiêu so với mức trung bình. Nhìn chung, họ nhận thấy Trái Đất có xu hướng quay chậm lại trong một thời gian rất dài, lên tới hàng triệu năm, và khiến các năm cứ dần dần dài ra. Tuy nhiên, năm 2021 là một ngoại lệ, khi gia tốc Trái Đất đã nhanh hơn, khiến năm 2022 cũng đến nhanh hơn.
Độ dài ngắn của năm cũng rất khó để đoán trước, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm địa chất hay nhật thực, do còn liên quan tới quỹ đạo Mặt Trăng và khoảng cách của Mặt Trăng với Trái Đất, chuyển động của đại dương, chuyển động bên trong hành tinh…