Trên hành tinh của chúng ta có nhiều loài ký sinh trùng đáng sợ, nhưng ít sinh vật có thể sánh ngang với loài rận ăn lưỡi (Cymothoa exigua) về mức độ rùng rợn mà chúng mang lại.
Sinh vật này xâm nhập vào cá qua mang, bám vào chúng cho đến khi trưởng thành. Lúc này, chúng sẽ chuyển giới tính từ đực sang cái.
Khi quá trình này hoàn tất, ký sinh trùng bắt đầu tìm đường đến miệng cá. Tại đây, nó bám chặt vào lưỡi của cá bằng những gai nhọn hoắt ở chân, và bắt đầu hút máu “điên cuồng”.
Sau một thời gian, các mạch máu của cá tại khu vực này không thể đáp ứng nhu cầu từ ký sinh trùng. Cuối cùng, lưỡi của cá sẽ bị thiếu máu, dẫn tới hoại tử và rụng mất.
Lúc này, một quá trình kinh hoàng sẽ diễn ra, khi con rận ăn lưỡi trở thành “vật thay thế” cho lưỡi cá, giống như một bộ phận giả. Được biết, Cymothoa exigua là sinh vật duy nhất trên Trái Đất có thể thay thế toàn bộ cơ quan của vật chủ mà không khiến vật chủ bị chết trong quá trình này.
Sau khi thay thế lưỡi của vật chủ, rận bám vĩnh viễn vào gốc của lưỡi, đóng vai trò như một chiếc lưỡi sống của cá để tiếp tục hút lấy chất dinh dưỡng, gồm chất nhầy và máu mà chúng tìm thấy trong miệng cá.
Cũng tại đây, chúng chờ đợi một ký sinh trùng giới tính đực khác xâm nhập qua mang cá để bắt đầu quá trình giao phối, và sinh ra một loạt ký sinh trùng mới.
Sự hợp tác bất đắc dĩ này giữa một con cá và rận ăn lưỡi có thể tiếp tục trong nhiều năm.
Điều bất ngờ là rận ăn lưỡi không hề gây nguy hiểm cho vật chủ của chúng. Trái lại, những con cá bị ký sinh trùng bám vào thậm chí có thể sống tốt và phát triển mạnh hơn bình thường nhờ hệ tiêu hóa được thúc đẩy của chúng.
Chúng cũng không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con người, kể cả khi bạn “vô tình” ăn phải chúng khi đã nấu chín.