Ban đầu khi được giao phim này, tôi và các cộng sự trong tổ hóa trang đã đọc kịch bản và trao đổi với đạo diễn về số phận của nhân vật. Khác với “trai xinh gái đẹp” thông thường, số phận của các nhân vật trong Cuộc đời vẫn đẹp sao rất đặc biệt. Điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng muốn tạo cho bộ phim một màu sắc mới, khoác lên một chiếc áo mới về mặt tạo hình và mang cho khán giả một góc nhìn mới.
Tôi biết với một cái mới, chúng tôi sẽ phải đối mặt với hai khả năng: khán giả hoặc sẽ đón nhận, hoặc sẽ phản ứng ngược. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, tôi tin rằng khán giả sẽ đón nhận. Và chúng tôi rất vui khi tạo hình mình mang đến hợp với bộ phim, hợp với hoàn cảnh nhân vật.
Tôi là một người thích làm những thứ mới, thứ khác lạ. Vì thế khi nhận một kịch bản mà tôi được làm mới như vậy thì tôi rất vui và hào hứng.
Bạn biết đấy, ngoài đời Thanh Hương rất sexy, nóng bỏng nhưng vào phim lại là một phụ nữ rất lam lũ, mộc mạc. Và đa số nhân vật khác trong phim đều như thế.
Hóa trang mỗi nhân vật lại có những cái khó khác nhau, không thể áp dụng một bài hóa trang cho tất cả. Bên cạnh đó, phim quay bắt đầu từ mùa đông cho đến mùa hè. Mùa đông khi bôi màu có thể giữ được lâu, còn mùa hè màu bôi trôi rất nhanh. Trong khi đó, tạo hình diễn viên phải giữ được xuyên suốt một ngày quay.
Tạo hình phải bám sát từ kịch bản tới câu chuyện, tình tiết, cử chỉ, lời thoại, tính cách… của nhân vật và của từng phân đoạn. Ví dụ như bà Tình và Điền đều đến từ miền biển nên da họ nâu trầm. Dù thực tế bây giờ cũng có những người ở biển không đen như thế, nhưng tôi muốn khắc họa những nét đặc trưng nhất, gợi lên sự khắc khổ và lý lịch xuất thân của họ.
Song song với việc chú ý tới hoàn cảnh nhân vật, xuất thân ra sao và làm họ những công việc gì, tôi sẽ bắt tay nghiên cứu từng chi tiết nhỏ nhất, như: vẽ chân mày kiểu nào, màu son ra sao, làm môi nhợt đi hay kiểu má rám nắng như thế nào… Với cùng một nhân vật, có đoạn cần nhạt đi hoặc đậm lên tùy hoàn cảnh.
Có thể kể đến như bà Tình thường đội thúng bánh rán lên đầu thì tôi sẽ phải nghiên cứu tạo hình mái tóc của bà sẽ xơ hơn. NSƯT Thanh Quý vốn tóc xoăn, tôi tận dụng mái tóc xoăn đó để làm xơ và bạc hơn.
Sau khi nghiên cứu kịch bản và có ý tưởng, tôi sẽ trao đổi với đạo diễn, kết hợp với ý tưởng của đạo diễn để ở buổi định trang, tôi sẽ trao đổi với diễn viên. Diễn viên cũng có thể chia sẻ ý tưởng về tạo hình nhân vật mà họ nghĩ ra. Ý tưởng nào chung chúng tôi giữ lại, còn khác nhau thì sẽ tiếp tục trao đổi để tìm ra điểm phù hợp nhất.
Người hóa trang là người nghiên cứu bao quát toàn bộ kịch bản, còn diễn viên chỉ nghiên cứu nhân vật của họ thôi. Do đó, tôi sẽ thuyết phục họ theo cái mình muốn sáng tạo, nhưng cũng phải để cho diễn viên cảm thấy tự tin với tạo hình đó. Sau tất cả, chúng tôi sẽ tổng hợp lại các ý tưởng đã được thống nhất. Đó là sự hoàn hảo từ ba bên: đạo diễn, diễn viên, người tạo hình và nhiều khi là sự hỗ trợ của quay phim và ánh sáng nữa.
Thật ra khó khăn là khâu thuyết phục diễn viên làm theo tạo hình của mình. Bởi vì có diễn viên hình dung đúng chiều của mình, nhưng cũng có người hình dung khác mình. Tôi nhớ, hồi đầu Thanh Hương cũng hơi “sốc”. Cô ấy hình dung không như Luyến trên phim bây giờ, ví dụ như có thể mặc bộ quần áo hơi đẹp một chút. Chúng tôi phải tính toán để cho các nhân vật cân với nhau ở trong từng hoàn cảnh cụ thể, như khi Luyến ở cùng bà Tình hay với Lưu.
Ngoài ra, tuổi tác cũng là một điều cần lưu ý. Ví dụ nhân vật Lưu của anh Hoàng Hải cần làm trẻ xuống một chút, Thanh Hương lại phải làm già lên một chút để lên màn ảnh thành cặp đôi không bị chênh lệch tuổi tác.
Đó là bà Tình. Một người phụ nữ khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét phúc hậu, tình cảm. Tạo hình này cũng gây ấn tượng với chính các thành viên trong đoàn phim.
Khi quay ở ngoài, có những người thấy bà Tình đi bán bánh rán, mà không biết bà đang quay phim, còn hỏi: “Sao bà không bảo con cháu làm cho cái xe đẩy cho đỡ khổ”. Hay có lần nghỉ ăn trưa, cô Thanh Quý vào quán cơm trước, nhân viên quán không nhận ra cô và ngăn lại: “Bà ơi, đây là cơm của đoàn làm phim đặt trước rồi”.
Chính cô Thanh Quý cũng rất thích tạo hình này. Cô từng bảo: “Bà Tình phải như thế, nếu mà khác đi thì không phải bà Tình”.
Tôi có biết nhiều người thắc mắc về chiếc nón cũ của bà Tình trên phim. Thực ra ban đầu đoàn làm phim cũng đã chuẩn bị cho bà Tình một chiếc nón cũ nhưng không cũ đến như vậy. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị quay phim ở khu chợ, chúng tôi bắt gặp có một bà cụ dùng chiếc nón rách này, đoàn làm phim cảm thấy đây là chất liệu rất hay. Chiếc nón cũ đó có chất đời sống hơn và hợp với số phận bà Tình hơn nên đổi chiếc nón đã chuẩn bị với bà cụ ở chợ để lấy chiếc nón này.
Tạo hình nhân vật Bát phải hốc hác, có quầng thâm mắt, môi trầm… Vì thế, tôi quyết định làm cho hàm răng Bát hơn vàng hơn để nhân vật bộc lộ hết tính cách, tạo ấn tượng mạnh với khán giả. Tuy nhiên, nhân vật này lại phải diễn rất nhiều cảnh ăn uống (cười), ảnh hưởng tới việc bôi thuốc màu.
Tổ hóa trang thông thường có 3 người – một hoá trang chính và 2 người hoá trang phụ – phải làm cho đầy đủ tất cả các nhân vật.
Thời gian để hóa trang mỗi nhân vật không giống nhau. Ví dụ như anh Lưu, Điền mất khoảng 20-30 phút, nhưng Luyến thì lâu hơn chút. Bà Tình là lâu nhất khoảng 40 phút mỗi lần.
Tôi không thể nhớ được mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim nữa. Cuộc đời vẫn đẹp sao là một trong những bộ phim tôi tâm đắc nhất, bởi khi đọc kịch bản tôi đã cảm thấy mình chuẩn bị được làm một cái mới. Diễn viên cũ nhưng tạo hình mới, giống như việc thay bộ đồ cũ và khoác bộ đồ mới.
Đã có nhiều bạn trẻ đi theo tôi để mong muốn học nghề, tôi luôn chia sẻ cho các bạn cách làm như thế nào: từ việc phân tích nhân vật cho đến làm thực tế. Tôi sẽ dạy cách đánh chìa khóa như thế nào, chứ không chỉ dạy cách làm một cái chìa khóa cụ thể.
Hiện nay số lượng người hóa trang thiếu, bởi đi làm phim rất vất vả, phải là những thực sự yêu nghề. Khi họ yêu nghề, hiểu nghề thì họ mới gắn bó với nghề lâu dài được.