Trong suốt nhiều năm, chúng ta biết được rằng bên trong Trái Đất có một lớp mỏng bao quanh phần kim loại nóng chảy của lõi ngoài.
Giờ đây, các nhà khoa học đã khám phá ra nguyên nhân hình thành lên lớp này. Hóa ra, nó được giải thích bằng một phản ứng hóa học đang diễn ra trên diện rộng, và kéo dài suốt hàng tỷ năm. Theo đó, nước từ bề mặt đã phản ứng với silicon trong lõi, tạo thành một lớp silica bao quanh lõi.
Theo các nhà khoa học đến từ Đại học bang Arizona, để kết thúc quá trình này, nước từ bề mặt đã theo các mảng kiến tạo, nhỏ giọt hàng nghìn cây số xuống tới tận phần lõi sau hành trình dài 2.900km.
“Quá trình này diễn ra chậm, nhưng qua hàng tỷ năm, nước từ bề mặt đã làm thay đổi ranh giới giữa đáy lớp phủ và đỉnh lõi”, TS. Dan Shim, nhà nghiên cứu của Đại học bang Arizona, cho biết.
“Trong nhiều năm, người ta tin rằng sự trao đổi vật chất giữa lõi và lớp phủ Trái Đất là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, các thí nghiệm áp suất cao gần đây của chúng tôi lại tiết lộ một câu chuyện khác”, TS. Dan Shim tiết lộ. “Chúng tôi phát hiện ra rằng khi nước chạm tới ranh giới lõi-lớp phủ, nó sẽ phản ứng với silicon trong lõi, tạo thành silica”.
Được biết, lớp phủ silica ở lõi Trái Đất khá giàu hydro, và chỉ dày khoảng vài trăm km. Về cơ bản, nó giống như lớp màng vì lõi có chiều dài lên tới 6.970km. Hiện, vẫn chưa rõ tác dụng (hoặc tác hại) của lớp phủ này trong quá trình hình thành Trái Đất và các mảng kiến tạo.
Tuy nhiên, khám phá mới cùng với những quan sát trước đây về sự hình thành của kim cương cho thấy sự trao đổi vật chất diễn ra ở lõi Trái Đất và lớp phủ là khá linh hoạt và năng động.
Dữ liệu cũng chỉ ra những điều chúng ta chưa biết về phần sâu bên trong Trái Đất, từ đó mở đường cho những mô phỏng rõ hơn về lịch sử của Hành tinh Xanh từ khi con người còn chưa sinh ra.