Trong số những bộ xương thu được, các nhà khoa học đến từ Công viên Khảo cổ Đấu trường La Mã, Ý đã phân tích bộ hài cốt có thể là tổ tiên của loài chó dachshund (chó Lạp Xưởng ngày nay) và họ cho rằng, những con chó này không nhằm mục đích là thú cưng của con người.
Đây là một giống chó có nguồn gốc từ Đức, xuất hiện vào thế kỷ 18, chúng sở hữu bộ hàm chắc khỏe, thân hình vạm vỡ, đôi chân ngắn, nó hoàn toàn có khả năng tự vệ và săn mồi tốt trên mọi loại địa hình.
Ngày nay, giống chó này còn được huấn luyện để săn những loài động vật kích thước nhỏ như thỏ, lợn rừng hay được nuôi làm thú cưng cho giới nhà giàu.
Tuy nhiên, quá khứ của nó lại không hề êm đẹp.
Giám đốc Công viên Khảo cổ Đấu trường La Mã, ông Alfonsina Russo cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy nhiều xương chó giống như những con chó Lạp Xưởng hiện đại. Thật không may, chúng không phải là động vật nuôi đơn giản mà được sử dụng để giải trí cho dân chúng, tham gia vào cuộc chiến đấu với gấu, sư tử trong Đấu trường La Mã dẫn đến mất mạng”.
Không chỉ tham gia vào các cuộc chiến mua vui cho khán giả, những con chó này còn phải diễn tại các rạp xiếc như nhào lộn, hay làm mục tiêu cho những người đam mê săn bắn động vật thời kỳ bấy giờ.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy xương của những con báo hoa mai, sư tử, gấu và đà điểu. Họ cũng phát hiện thức ăn thừa bao gồm quả sung, nho, hạt ô liu, mận, các loại hạt mà có thể khán giả đã ăn trong khi xem buổi diễn.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra hơn 50 mảnh đồng từ cuối thời kỳ La Mã và một đồng xu bạc được phát hành vào năm 170-171 nhân kỷ niệm 10 năm trị vì của Hoàng đế Marcus Aurelius.
Nghiên cứu này về cơ bản nhằm mục đích hiểu rõ hơn về hoạt động của hệ thống đường cống rãnh cũ tại Đấu trường La Mã. Đáng chú ý, kiến thức lịch sử này có thể giúp giải quyết một số vấn đề hiện nay tại Roma, thường xảy ra các trận mưa lớn, dẫn tới lũ lụt.
Do đó, các nhà khảo cổ học, kỹ sư đang được được giao nhiệm vụ tìm cách giải quyết vấn đề này và giải pháp là khôi phục hệ thống cống rãnh cũ này đang được hướng đến.