Theo Science Alert, đó là cuộc đại tuyệt chủng gần đây nhất xảy ra trên Trái Đất và chưa được ghi nhận trước đó. Nó xảy ra vào giai đoạn khí hậu địa cầu chuyển từ giai đoạn đầm lầy sang băng giá.
Bằng cách thu thập dữ liệu hàng trăm hóa thạch từ 5 nhóm động vật có vú, nhóm khoa học gia đứng đầu bởi tiến sĩ Dorien de Vries từ Đại học Salford (Anh) đã ghi nhận được sự biến mất của 63% động vật khắp châu Phi và Ả Rập trong cuộc đại tuyệt chủng đó.
Nhưng khác với các đại tuyệt chủng khác từng xảy ra trên hành tinh, nhiều loài đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ bằng cách xuất hiện trở lại trong hồ sơ hóa thạch một thời gian dài sau đó, chứ không biến mất hoàn toàn như loài khủng long. Tức bằng cách nào đó, một lượng nhỏ cá thể vẫn tồn tại, tiến hóa vượt bậc để thích nghi và sinh sôi trở lại.
Tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ Vries: “Sau vài triệu năm, những nhóm này bắt đầu xuất hiện trở lại trong hồ sơ hóa thạch, nhưng với một diện mạo mới”. Trong khi đó, tiến sĩ Steven Heritage từ Đại học Stony Brook và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Trung tâm Duke Lemur (Mỹ), đồng tác giả, nhận định: “Rõ ràng đã có một sự kiện tuyệt chủng lớn, sau đó là thời kỳ phục hồi”.
“Ngày tận thế” này xảy ra vào khoảng 30 triệu năm trước, tức đầu thế Oligocen (thế Tiệm Tân, thuộc kỷ Paleogen, tức kỷ Cổ Cận), nhưng có vẻ đã manh mún từ cuối thế Eocen (Thủy Tân). Có thể nói “nút thắt” Thủy Tân – Tiệm Tân tuy đem đến sự diệt chủng thảm khốc, nhưng đã tạo nên bước nhảy vọt tiến hóa cho sinh vật Trái Đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Communication Biology.