Thành phố này tồn tại vào thế kỷ II và III, là thành phố quan trọng nhất được tìm thấy ở phía Đông của Luxor, ông Mostafa Wazari – Chủ tịch Hội đồng tối cao Di tích cổ Ai Cập – cho biết.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều nhà dân, hai tháp nuôi bồ câu và rất nhiều lò rèn. Bên trong các lò rèn vẫn còn cả một bộ sưu tập các loại bình, vò, các dụng cụ và cả những đồng tiền La Mã bằng đồng.
Đây là một phát hiện khảo cổ hiếm hoi ở Ai Cập, bởi vì ở vùng này thường chỉ tìm thấy các đền thờ và lăng mộ. Năm 2021, các cơ quan chức năng đã công bố phát hiện ra “thành phố vàng mất tích” 3.000 năm tuổi ở phía Tây Luxor và các nhà khảo cổ học cho đây là thành phố cổ đại lớn nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập.
Trong vài năm gần đây, Ai Cập đã công bố một số khám phá lớn về khảo cổ học. Các nhà phê bình cho rằng một loạt các cuộc khai quật được ưu tiên thực hiện và công bố nhằm thu hút truyền thông hơn là phục vụ nghiên cứu học thuật chuyên sâu.
Tuy vậy, khám phá này cũng là một nỗ lực của Ai Cập nhằm hồi sinh ngành du lịch quan trọng của nước này sau nhiều năm bất ổn chính trị và sau đại dịch Covid-19.
Dự kiến Ai Cập sẽ sớm khánh thành Bảo tàng Đại Ai Cập dưới chân các kim tự tháp ở Giza sau nhiều lần bị trì hoãn, để hướng đến mục tiêu từ năm 2028 trở đi sẽ đón 30 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.