Trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, sự khô cạn các nguồn nước ngọt đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa hè khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Các kỹ sư đã tìm kiếm những cách khác để cung cấp nước ngọt cho người dùng ngoài các nguồn có sẵn trong tự nhiên.
Trước đây, đã có một số nghiên cứu về thiết bị khử muối nước biển để lấy nước ngọt, nhưng thường các thiết bị này quá đắt. Đề xuất xây dựng một nhà máy như vậy ở Mexico có chi phí hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, những thiết bị này ở quy mô cung cấp nước cho hàng trăm nghìn người thì sẽ cần một lượng nhiệt vô cùng lớn.
Chính vì thế ưu điểm của phát minh của các kỹ sư Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã được thử nghiệm ở Trung Quốc là chi phí thấp, phù hợp với những người sống ở nơi thiếu nguồn nước ngọt mà không có khả năng tài chính cao.
Thiết bị này chủ yếu dựa vào một quá trình tương tự như luân chuyển nhiệt muối, một quá trình xảy ra khi nước tuần hoàn tự nhiên qua các đại dương để phản ứng với nhiệt độ tăng cao khi tiếp xúc với không khí, ánh sáng mặt trời làm nước bay hơi, để lại muối.
Khi lượng muối đó cô đặc, nước cũng trở nên nặng hơn và có xu hướng chảy xuống dưới. Điều này cho phép nước loại bỏ muối, khử muối và trở thành nước ngọt có thể uống được.
Thiết bị khử muối với chi phí thấp sẽ giúp chúng ta tiếp cận với lượng nước dồi dào sẵn có trong các đại dương. Nhờ sử dụng năng lượng mặt trời, chúng ta không cần nguồn điện nào khác. Với kích thước chỉ bằng một chiếc va li, nó có thể sản xuất tới 3,8 m3 nước ngọt mỗi giờ.
Hãy hình dung với quy mô cỡ một nhà máy thì công nghệ này sẽ sản xuất được một lượng nước ngọt dồi dào đến mức nào. Tất nhiên, để xây dựng ở quy mô nhà máy, các kỹ sư sẽ phải quan tâm đến nhiều yếu tố khoa học khác, nhưng đây vẫn là một phát minh giá trị, mở ra khả năng thích ứng cho con người trước sự biến đổi khắc nghiệt của tự nhiên.