Theo hồ sơ địa chất ở Australia, tác động tàn phá của biến đổi khí hậu trong sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi rất có thể đã khiến sự bùng nổ vi khuẩn độc hại ở lưu vực sông Sydney, một trong những hệ sinh thái nước ngọt lâu đời nhất trên thế giới.
Các tác giả cho rằng thông tin đó thật đáng lo ngại vì hoạt động của con người ngày nay có thể đang dẫn đến một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt tương tự.
“Có rất nhiều điểm tương đồng với hiện tại. Núi lửa là nguồn cung cấp CO2 trong quá khứ, nhưng chúng tôi cho rằng tỷ lệ CO2 đầu vào được nhìn thấy vào thời điểm đó tương tự như tốc độ tăng CO2 mà chúng ta đang thấy ngày nay vì tác động của con người”, nhà địa chất Tracy Frank từ Đại học Connecticut (Mỹ) cho biết.
Tảo và vi khuẩn vẫn tồn tại bình thường trong môi trường nước ngọt lành mạnh, nhưng đôi khi chúng có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát và làm cạn kiệt oxy trong nước; khi đó, chúng sẽ tạo ra “vùng chết”.
Điều này có xu hướng xảy ra với sự nóng lên toàn cầu, nạn phá rừng và chất dinh dưỡng trong đất chảy vào các dòng nước, có thể nuôi vi sinh vật. Cả ba yếu tố này đều đang hoạt động mạnh hiện tại.
Xem xét những gì đã xảy ra trong quá khứ, các nhà khoa học cho rằng đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Theo dữ liệu đất, hóa thạch và địa hóa từ lưu vực sông Sydney, các nhà nghiên cứu cho rằng sự lây lan của vi sinh vật sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi vừa là một triệu chứng của sự sụp đổ hệ sinh thái lục địa, vừa là nguyên nhân khiến nó khó phục hồi.
Các vụ phun trào núi lửa ở kỷ Permi lần đầu tiên gây ra sự gia tăng nhanh chóng và bền vững về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Điều này khiến nhiệt độ Trái đất cao hơn và dẫn đến cháy rừng hoặc hạn hán.
Sau khi cây cối biến mất, không lâu sau cấu trúc của đất bắt đầu bị xói mòn, chất dinh dưỡng của nó trôi vào các hệ sinh thái nước ngọt.
Trong hơn ba triệu năm, các khu rừng trên Trái đất đã phải “vật lộn” để phục hồi.
Lưu vực Sydney lúc đó rải rác với các hệ sinh thái đất thấp thường xuyên bị ngập bởi các vùng nước ngọt, nước lợ tù đọng, nơi chứa các quần thể tảo và vi khuẩn phát triển mạnh. Những vùng chết dai dẳng này đã ngăn cản sự tái lập của các bể chứa carbon quan trọng, như vùng đất than bùn, làm chậm quá trình phục hồi khí hậu và hệ sinh thái.
Những nghiên cứu khác trên thế giới cũng cho thấy sự nở hoa của vi sinh vật xuất hiện liên quan đến các sự kiện tuyệt chủng do nóng lên trên thế giới. Ngoại lệ có thể nhắc đến dường như là sự kiện tiểu hành tinh rất lớn đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của loài khủng long cách đây 66 triệu năm.
Giai đoạn này khiến lượng lớn bụi và sol khí sunfat bốc lên bầu khí quyển, trong khi hoạt động núi lửa, thiên thạch chỉ gây ra sự gia tăng khiêm tốn về carbon dioxide cùng nhiệt độ trong khí quyển, không phải là một sự gia tăng kéo dài. Các vi sinh vật nước ngọt dường như chỉ trải qua một thời gian ngắn bùng nổ sau sự kiện tuyệt chủng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng “phạm vi phát triển nhiệt độ tối ưu” của những loài tảo có hại này trong môi trường nước ngọt là 20-32 độ C. Phạm vi đó phù hợp với nhiệt độ không khí bề mặt lục địa mùa hè ước tính cho khu vực trong kỷ Trias sớm. Phạm vi đó là những gì được dự báo cho nhiệt độ bề mặt không khí mùa hè ở lục địa ở vĩ độ trung bình vào năm 2100.
Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu đang nhận thấy những điểm tương đồng khác, bao gồm sự gia tăng cháy rừng và sự mất ổn định của đất sau đó.
Nhà địa chất Chris Fielding, Đại học Connecticut, cho biết: “Điểm song song lớn khác là sự gia tăng nhiệt độ vào cuối kỷ Permi đồng thời với sự gia tăng lớn của các vụ cháy rừng. Một trong những thứ đã phá hủy toàn bộ hệ sinh thái là lửa và chúng ta đang thấy điều đó ngay bây giờ ở những nơi như California. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là hậu quả lâu dài hơn của những sự kiện như vậy là gì khi chúng ngày càng lan rộng?”.