Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, giá trị của các kim loại dần trở nên không nhất quán, và thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tiếp cận.
Do sở hữu nhiều đặc tính linh hoạt, như khả năng dẫn điện, độ bền, vẻ ngoài đẹp mắt… vàng chắc chắn luôn nằm trong top 5 kim loại đắt nhất thế giới. Tại thời điểm hiện nay, giá vàng trên thế giới dao động ở mức hơn 1.850 USD cho một ounce. Con số này khá ấn tượng, nhưng không là gì so với rhodium.
Đây chính là kim loại đắt nhất và cũng hiếm nhất trên thế giới. Giá cho mỗi ounce rhodium nằm ở mức 10.300 USD/ounce tại thời điểm của bài viết này. Tại sao kim loại này lại đắt tới vậy?
Trong tự nhiên, rhodium là kim loại hiếm nhất của nhóm bạch kim, khi chỉ xuất hiện ở khoảng 0,000037 phần triệu vỏ Trái Đất. Để đối chiếu, vàng được tìm thấy với số lượng tương đối dồi dào, khoảng 0,0013 phần triệu, theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh.
Đó là vì kim loại này không dễ để phản ứng với oxy ở điều kiện thông thường, khiến nó không chỉ là một kim loại quý hiếm, mà còn đóng vai trò quan trọng như một chất xúc tác hoàn hảo để chống lại sự ăn mòn, oxy hóa.
Mặc dù được sản xuất chủ yếu ở Nam Phi và Nga, song rhodium trên thực tế có thể là sản phẩm phụ của quá trình tinh chế quặng đồng và niken, với hàm lượng khoảng 0,1%.
Đây cũng là một trong những kim loại cứng bậc nhất, ngang hàng với bạch kim, paladi, osmium, iridi và rutheni cùng điểm nóng chảy là gần 2000 độ C.
Không chỉ vậy, rhodium có khả năng chịu được nhiệt độ trong nước và không khí lên tới 600 độ C, cũng như không hòa tan trong hầu hết các axit, khiến chúng rất linh hoạt để sử dụng trong ô tô, máy bay, tiếp điểm điện, cặp nhiệt điện và dây điện trở ở nhiệt độ cao.
Rhodium được phát hiện vào năm 1803 bởi William Hyde Wollaston, một nhà hóa học người Anh. Ông đã chiết xuất nguyên tố này từ một mẩu quặng bạch kim lấy được ở Nam Mỹ. Phát hiện này được đưa ra ánh sáng ngay sau khi nhà nghiên cứu Wollaston phát hiện ra một kim loại nhóm bạch kim khác, là palladi.
Bất chấp sự quý hiếm và vẻ đẹp của nó, số liệu thống kê từ năm 2019 cho thấy gần 90% nhu cầu rhodium là từ lĩnh vực chất xúc tác tự động được dùng trong sản xuất. Tại đây, rhodium được sử dụng để chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác. Đây là một cách sử dụng được cho là không bình thường đối với một trong những kim loại quý hiếm nhất của Trái Đất.
Rhodium cũng từng được sử dụng như là biểu tượng cho danh dự hay sự giàu có, khi các kim loại quý khác được sử dụng phổ biến hơn như bạc, vàng hay platin được coi là chưa đủ.
Năm 1979, Guinness Book of World Records tặng Paul McCartney một đĩa mạ rhodi vì họ coi ông là nhạc sĩ sáng tác bài hát, cũng như nghệ sĩ có lượng bài hát được bán nhiều nhất mọi thời đại. Tổ chức Guinness cũng thường chế tạo các món đồ như “bút đắt tiền nhất” hay “bàn cờ đắt tiền nhất” thế giới đều là những vật chứa rhodi.