Với sự phát triển của công nghệ quan sát vệ tinh, các nhà khí tượng học ngày nay đã nắm bắt được hầu hết các loại bão nhiệt đới, cho dù chúng xuất hiện ở bất kỳ đâu.
Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra thêm một loại bão nhiệt đới nữa với những đặc điểm kỳ lạ, chỉ mới xảy ra vài lần tại ngoài khơi bờ biển Sumatra, nằm ở phía Tây của Indonesia.
Cơn bão nói trên rất khó để xác định, vì nó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, và xảy ra theo chu kỳ bất định. Tuy nhiên, các nhà khí tượng nhận thấy chúng có xu hướng được tạo thành trong mùa đông và mùa xuân, khi gió Tây xích đạo gặp gió Tây Bắc, chủ yếu ở Nam bán cầu.
Nghiên cứu từ các nhà hải dương học tại Đại học Flinders, Úc cho biết sự chênh lệch về nhiệt độ nước biển ở vùng nhiệt đới phía Tây và phía Đông – được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) – dường như có liên quan chặt chẽ với hoạt động của cơn bão.
Cụ thể, trong quá trình hình thành cơn bão, một xoáy thuận làm nước biển nóng lên ở vùng biển nhiệt đới Đông Nam Ấn Độ Dương (SETIO), trong khi gió Tây Bắc mạnh lên, và gió Tây xích đạo yếu đi.
Điều kỳ lạ là những diễn biến trên chỉ xảy ra trong khoảng 10 ngày, và trong mỗi mùa, chỉ có duy nhất 1 cơn bão được hình thành.
Jochen Kaempf, nhà hải dương học, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Sự xuất hiện của các cơn bão ở vùng SETIO có mối liên quan chặt chẽ tới các luồng gió ở khu vực xích đạo nằm tại phía Đông Ấn Độ Dương, điều mà hầu như không có ở những cơn bão khác”.
Trên thực tế, các cơn bão bí ẩn này chủ yếu tạo ra lực gió thổi quanh đường xích đạo, chứ ít khi tiến vào đất liền.
Theo các nhà nghiên cứu, việc hiểu rõ hơn về các cơn bão nhiệt đới, đặc biệt là những loại mới hình thành, là điều vô cùng quan trọng. Những cơn bão này được cho là ảnh hưởng đến lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD), do đó tác động mạnh mẽ đến khí hậu và lượng mưa ở các quốc gia xung quanh, bao gồm Úc và một phần của Đông Nam Á.
“Bằng việc giải mã những cơn bão tương tự, chúng ta có thể dự đoán chính xác hơn tình trạng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng ở đâu, cũng như cách để chuẩn bị tốt nhất cho các thảm họa trong tương lai”, Jochen Kaempf khẳng định.