HomeBlogTop 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ...

Top 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ ở Việt Nam

Bạn đang xem bài viết Top 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ ở Việt Nam tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.

Dù được coi là những cung đường hiểm trở, và là nỗi ám ảnh của các tài xế đường dài, nhưng top 20 cung đường đèo mà iVIVU.com giới thiệu dưới đây luôn hấp dẫn các phượt thủ, bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của chúng.

Top 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ ở Việt Nam

1. Đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang

Là một trong “tứ đại danh đèo” của miền Bắc, cái tên Mã Pí Lèng có nghĩa là “Sống mũi ngựa”. Đây là cung đường chạy dài 20km, uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Mã Pí Lèng thường được mệnh danh là vua của những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Nên cũng dễ hiểu vì sao nơi đây trở thành địa điểm yêu thích khi chụp ảnh phong cảnh của những người đam mê nhiếp ảnh.

Dưới chân đèo là dòng Nho Quế uốn lượn xinh đẹp. Ảnh: tinmoi.vn

Dưới chân đèo là dòng Nho Quế uốn lượn xinh đẹp. Ảnh: tinmoi.vn

2. Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai

Được mệnh danh là con đèo hùng vĩ bậc nhất ở miền Bắc với chiều dài gần 50km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo Ô Quy Hồ nằm trên độ cao 2.000m, uốn lượn quanh co qua những vách núi cao ngút trời và vực sâu thăm thẳm. Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ hãi và trèo lên được tới đỉnh đèo ở độ cao gần 2.000m, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cả biển trời mây bồng bềnh như cõi thần tiên. Chính bởi vậy, nó còn có cái tên là Cổng Trời.

Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai. Ảnh: Saigoneer

Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai. Ảnh: Saigoneer

3. Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu

Đèo Pha Đin nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, với hai đầu nằm ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Với tổng chiều dài 32km, con đèo này có địa thế hết sức hiểm trở, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa nổi tiếng là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển.

Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu. Ảnh: Saigoneer

Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu. Ảnh: Saigoneer

4. Đèo Khau Phạ, Yên Bái

Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường vượt qua ngọn núi cao nhất ở Mù Cang Chải – đỉnh Khau Phạ. Nó còn nổi tiếng quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Con đèo này đặc biệt nguy hiểm vào những ngày sương mù vì không có rào chắn hay bất kỳ biển cảnh báo nào. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.

Đèo Khau Phạ – Yên Bái. Ảnh: Saigoneer

Đèo Khau Phạ – Yên Bái. Ảnh: Saigoneer

5. Đèo Mã Phục, Cao Bằng

Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đây là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh. Đặc biệt phong cảnh hai bên đèo rất đẹp, tới đây bạn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.

Đèo Mã Phục mùa lúa chín. Ảnh: Micheal Ruan/ flickr.com

Đèo Mã Phục mùa lúa chín. Ảnh: Micheal Ruan/ flickr.com

6. Đèo Xá Tổng, Điện Biên

Đèo Xá Tổng nằm trong vị trí đầy hiểm trở từ Tuần Giáo ngược lên Lai Châu. Con đèo dài 25km với nhiều đoạn không có cọc tiêu lẫn gương cầu. Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo không một bóng nhà dân. Đoạn đèo đã bị bỏ hoang từ lâu, cũng không có ô tô qua lại bởi quá nguy hiểm. Hoàng hôn trên đèo rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy bởi trời sẽ tối rất nhanh mà con đường còn dài phía trước.

Hoàng hôn trên đèo Xá Tổng. Ảnh: Vnexpress

Hoàng hôn trên đèo Xá Tổng. Ảnh: Vnexpress

7. Đèo Pha Long, Lào Cai

Đèo được gọi như vậy có lẽ vì có đỉnh đèo chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai. Để đến với đèo, bạn phải đi xuyên qua một con đường đất hiểm trở từ Cán Cấu sang. Đường đèo cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng, chạy ngược dòng sông Chảy với chiều dài gần 20km.

Một đoạn đường đất trên đèo Pha Long. Ảnh: i-dulich

Một đoạn đường đất trên đèo Pha Long. Ảnh: i-dulich

8. Đèo Bắc Sum, Hà Giang

Nằm giữa Hà Giang và Quản Bạ, đoạn đèo uốn lượn như những lọn vải xếp chồng lên nhau. Từ Hà Giang lên đường 4D, sẽ bắt gặp đoạn đường đột ngột nhỏ và vòng vèo theo chân núi, cũng là điểm bắt bắt đầu hành trình khám phá cao nguyên đá thú vị.

Đèo Bắc Sum - Hà Giang. Ảnh: Vnexpress

Đèo Bắc Sum – Hà Giang. Ảnh: Vnexpress

9. Đèo Thung Khe, Hòa Bình

Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, trên Quốc lộ 6. Con đèo đi qua những vực đá dựng đứng, không quá dài và quá dốc nhưng nổi tiếng nguy hiểm. Thung Khe buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.

 Một góc đường Đèo Thung Khe. Ảnh: hivietnam.ne

Một góc đường Đèo Thung Khe. Ảnh: hivietnam.ne

10. Đèo Tam Điệp, Ninh Bình

Ba ngọn đèo nối tiếp nhau nằm trên quốc lộ 1A, thuộc dãy núi Tam Điệp, trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ, với núi đá đứng sừng sững hai bên, vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến, phòng ngự lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước.

Phong cảnh xinh đẹp nhìn từ đèo Tam Điệp. Ảnh: Phạm Ngọc Duy/flickr.com

Phong cảnh xinh đẹp nhìn từ đèo Tam Điệp. Ảnh: Phạm Ngọc Duy/flickr.com

11. Đèo Ngang – Hà Tĩnh, Quảng Bình

Đèo Ngang hay còn có tên gọi khác là Hoàng Sơn Quan, thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh, cách thành phố Hà Tĩnh 75km về hướng Nam. Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Phong cảnh đèo Ngang hùng vĩ, dưới chân đèo là những bãi tắm sạch, đẹp. Trên đèo có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và nhiều am, miếu cổ. Nơi đây được quy hoạch thành khu di lịch Đèo Ngang – Hòn La với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.

Đèo Ngang. Ảnh: tothaihoa/ flickr.com

Đèo Ngang. Ảnh: tothaihoa/ flickr.com

12. Đèo Hải Vân – Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế

Trải dài theo sườn núi Hải Vân là đèo Hải Vân, dài khoảng 20km, nối liền hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đèo Hải Vân được ví như dải lụa mềm mại vắt ngang dãy núi hùng vĩ bạt ngàn lau sậy. Từ đỉnh đèo Hải Vân cao gần 500m, du khách có thể nhìn thấy làng chài Lăng Cô ở phía Bắc và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng về hướng Nam.

Đèo Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn/ flickr.com

Đèo Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn/ flickr.com

13. Đèo Cù Mông – Bình Định, Phú Yên

Đèo Cù Mông là một đèo ngắn nhưng hiểm trở nhất nhì Việt Nam. Đèo nằm trên quốc lộ 1A, là ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định – Phú Yên, dài 7km, đỉnh cao 245m, đường nhiều dốc, có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao.

Đường dẫn lên đèo Cù Mông. Ảnh: Xuân Trường

Đường dẫn lên đèo Cù Mông. Ảnh: Xuân Trường

14. Đèo Cả – Phú Yên, Khánh Hòa

Đèo Cả dài 12km, nằm trên quốc lộ 1A tiếp giáp với biển, là địa danh nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Là một trong những đèo có địa hình hiểm trở bậc nhất miền Trung thế nhưng với vẻ đẹp rất riêng của mình, đèo Cả đã chinh phục trái tim của nhiều bạn trẻ yêu du lịch bụi.

Vũng Rô nhìn từ đỉnh Đèo Cả. Ảnh: Tran Khang/ flickr.com

Vũng Rô nhìn từ đỉnh Đèo Cả. Ảnh: Tran Khang/ flickr.com

15. Đèo Hòn Giao – Khánh Hòa, Lâm Đồng

Đèo Hòn Giao còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như đèo Khánh Lê, đèo 723, đèo Omega, hay đèo Long Lanh. Nằm trong tuyến tỉnh lộ 723 nối liền thành phố biển Nha Trang tỉnh Khánh Hòa với thành phố ngàn hoa Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Đèo Hòn Giao có chiều dài lên đến 33 km được mệnh danh là đèo dài nhất và một trong những cung đèo đẹp nhất Việt Nam.

Một góc đèo Hòn Giao. Ảnh: wikimapia.org

Một góc đèo Hòn Giao. Ảnh: wikimapia.org

16. Đèo Ngoạn Mục, Ninh Thuận

Đèo Ngoạn Mục chạy men theo những sườn núi dựng đứng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang. Với đường đèo có độ dốc cao, trải dài 18,5km, đèo Ngoạn Mục là thử thách đáng gờm với bất kỳ tay lái nào trên hành trình từ Đà Lạt xuống thành phố Phan Rang. Dọc theo đường đèo là rừng cây xanh, thác nước, và những mảng mây trắng. Con đường đèo dốc này chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Đà Lạt bằng sự quyến rũ lãng mạn và hùng vĩ.

Đèo Ngoạn Mục – Ninh Thuận. Ảnh: Saigoneer

Đèo Ngoạn Mục – Ninh Thuận. Ảnh: Saigoneer

17. Đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng

Đèo Bảo Lộc dài 15km, với khoảng 107 khúc cua gấp và độ dốc cao. Với những ai chưa từng chinh phục cung đường này, rất khó đoán định điều gì đang chờ họ ở phía trước. Tuy nhiên với người yêu phong cảnh núi rừng, thích trải nghiệm những khoảnh khắc thử thách, đèo Bảo Lộc được xem là một trong những điểm du lịch thú vị.

Trong các ngọn đèo bạn phải chinh phục để đến Đà Lạt, đèo Bảo Lộc được coi là nguy hiểm nhất. Ảnh: Baoloc.net.

Trong các ngọn đèo bạn phải chinh phục để đến Đà Lạt, đèo Bảo Lộc được coi là nguy hiểm nhất. Ảnh: Baoloc.net.

18. Đèo Prenn, Lâm Đồng

Đèo Prenn là một đèo núi dài 11km thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10km. Trong tiếng Chăm, chữ Prenn có nghĩa là “xâm chiếm”. Với nhiều người, nhất là các nhóm phượt hay ai yêu chụp ảnh, những rừng thông bạt ngàn, không khí mát lạnh, những khúc cua nguy hiểm của đèo Prenn luôn có vẻ đẹp quyến rũ. Rất nhiều nhóm khách mỗi khi đến Đà Lạt đều thuê xe máy rong ruổi trên cung đường này để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố hoa.

Tên của đèo gắn với dòng thác tuyệt đẹp. Ảnh: Dulichtrainghiem

Tên của đèo gắn với dòng thác tuyệt đẹp. Ảnh: Dulichtrainghiem

19. Đèo Phượng Hoàng, Đắk Lắk

Nằm trên quốc lộ 26, nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, đèo Phượng Hoàng như cánh chim giữa trời đưa người lữ hành ngắm cảnh trời mây xinh đẹp. Đèo Phượng Hoàng dài khoảng 12km, thuộc địa phận huyện M”Drăk và là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đèo Phượng Hoàng là địa danh một thời từng được ví là đèo tử thần vì vị trí địa lý cũng như những nguy hiểm luôn rình rập lữ khách đi ngang nơi này. Tuy nhiên hiện tại, con đèo đã được mở rộng hơn và thu hút nhiều bạn trẻ đến khám phá.

Cung đèo Phượng Hoàng - Ảnh: Sưu tầm

Cung đèo Phượng Hoàng – Ảnh: Sưu tầm

20. Đèo Triệu Hải, Lâm Đồng

Cung đường đèo Triệu Hải cắt rừng Nam Cát Tiên từ Đạ Tẻh lên khu vực thác Dambri, Bảo Lâm, Lâm Đồng là hành trình mới đầy khắc nghiệt và thú vị mà dân phượt phía Nam đã và đang say mê chinh phục. Có hai cách để bạn chinh phục cung đường Triệu Hải. Cách dễ hơn là từ trung tâm thành phố Bảo Lộc rẽ đường đi thác Dambri, đến ngã ba đi hồ Tâm Châu thì rẽ trái. Từ đây có bảng hướng dẫn đi vào đập thủy điện Dambri.

Hành trình chinh phục cung đường đèo Triệu Hải thật sự là một trải nghiệm thú vị để bạn học hỏi nhiều kỹ năng như giải quyết khó khăn, xử lý sự cố và hơn cả là tìm ra các giá trị tiềm ẩn trong chính bản thân mình cũng như tận hưởng thành công.

Hồ nước xanh ngắt trên cung đường đèo Triệu Hải. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Hồ nước xanh ngắt trên cung đường đèo Triệu Hải. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Theo Tiểu Lam (Tổng hợp)

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Cảm ơn bạn đã xem bài viết Top 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ ở Việt Nam tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments