Trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều người.
Tính đến nay, trận động đất kinh hoàng đã khiến hơn 41.000 người thiệt mạng. “Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở đất nước chúng ta mà còn trong lịch sử nhân loại”, ông Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một phát biểu mới đây.
Các vệ tinh quan sát Trái Đất đã liên tục đánh giá mức độ thiệt hại ở hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi hàng loạt dư chấn sau trận động đất xảy ra.
Trong một hình ảnh được chụp bởi vệ tinh của Công ty quan sát Trái Đất Maxar Technologies (Mỹ), có thể thấy một vết nứt đã xuất hiện và chạy cắt ngang con đường, xuất hiện khi 3 mảng thạch quyển gặp nhau ở khu vực bị ảnh hưởng.
Theo các nhà địa chất học, 3 mảng thạch quyển này gồm mảng Anatolia, mảng Ả Rập và mảng châu Phi.
Đáng kinh ngạc hơn, thông qua hình ảnh được đối chiếu tại thời điểm trước và sau khi xảy ra động đất, có thể thấy thảm họa thiên nhiên dường như đã thay đổi độ cong của cả con đường kéo dài qua khu vực này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là minh chứng hùng hồn nhất mô tả sức mạnh của hai trận động đất khủng khiếp có cường độ lần lượt là 7,8 và 7,5 độ richter, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Một hình ảnh khác được chia sẻ trên trang Twitter cá nhân của nhà địa chất học Shreya Arora cũng cho thấy một rãnh nứt sâu và rất dài đã cắt ngang những gì trước đây là một con dốc.
Tim Wright, người đứng đầu Trung tâm Quan sát & Lập mô hình Động đất, Núi lửa, Kiến tạo, cũng xác nhận rằng 2 vết nứt được sinh ra bởi cơn địa chấn nằm trong số những biến đổi địa chất dài nhất và rõ rệt nhất từng được quan sát thấy.
Theo đó, vết nứt dài hơn, được tạo ra bởi trận động đất mạnh 7,8 độ richter đầu tiên, kéo dài khoảng 300 km về phía Đông Bắc của Biển Địa Trung Hải. Vết nứt ngắn hơn, dài 125 km, sinh ra bởi cơn chấn động thứ hai chạy song song với một phần của vết nứt đầu tiên.
Các vệ tinh quan sát Trái Đất của châu Âu ước tính rằng mặt đất dịch chuyển xấp xỉ 5 mét ở một số khu vực xung quanh vết nứt.
Theo thống kê từ WHO, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là thảm họa tồi tệ nhất châu Âu trong 100 năm qua. Mức thiệt hại từ trận động đất này được ước tính vào khoảng 84,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nhiều nhất, đứng sau trận động đất Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008, và thảm họa kép động đất – sóng thần Tōhoku, Nhật Bản năm 2011.
Mặc dù chỉ có cường độ là 7,8 độ richter ở vùng tâm chấn, song những rung động địa chất của thảm họa đã khiến nhiều cơ sở hạ tầng của 2 quốc gia bị phá hủy nặng nề, cùng với hàng nghìn người vẫn nằm dưới các đống đổ nát.