Màu sắc và hoa văn của các loài động vật phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Thí dụ, để giúp chúng nổi bật với bạn tình, hay thậm chí để cảnh báo những kẻ săn mồi rằng chúng là loài độc hại (như rắn, ếch…). Nhưng đối với những kẻ săn mồi theo dạng phục kích như hổ, sư tử… khả năng “tàng hình” trước con mồi sẽ quyết định việc chúng thành công hay thất bại trong chuyến đi săn. Vì vậy, trong tất cả các màu có thể có, tại sao hổ lại có màu cam?
Đối với con người, màu cam là màu được sử dụng cho các mục đích cần lưu ý, như biển báo giao thông, áo bảo hộ… Đó là vì đối với mắt chúng ta, màu cam nổi bật trong hầu hết các môi trường, khiến nó trở nên dễ phát hiện. Theo một cách khoa học, con người có thị giác màu tam sắc (trichromatic), gồm 3 màu cơ bản là đỏ, xanh lục, xanh lam và những biến thể kết hợp giữa chúng. Khả năng nhìn này tương đối giống với một số loài vượn và khỉ.
Tuy nhiên với hầu hết các loài động vật có vú trên cạn như chó, mèo, ngựa, hươu…, chúng chỉ có thị giác màu lưỡng sắc. Điều đó có nghĩa là võng mạc của chúng chỉ chứa các tế bào hình nón với hai màu: xanh lam và xanh lục. Những loài này lại thường là con mồi của hổ. Với thị giác màu lưỡng sắc, chúng không thể phân biệt được giữa các sắc thái màu đỏ và xanh lục, và do đó không nhìn thấy kẻ săn mồi có màu da cam.
Nói theo một cách khác, màu da cam đối với chúng cũng có màu tựa như xanh lục của lá cây. Đối với hổ, điều này là quá đủ để khiến chúng trở nên khó phát hiện hơn. Thế nhưng tại sao hổ không tiến hóa để có da màu xanh lục? Theo các nhà nghiên cứu, quá trình tiến hóa của hổ có lẽ không hoạt động với các thành phần cần thiết để tạo ra bộ lông xanh.
John Fennell, một giảng viên về cảm biến động vật và sinh trắc học tại Trường Thú y Bristol, Vương quốc Anh cho biết: “Về bản chất, việc tạo ra màu nâu và màu da cam do cấu trúc phân tử sinh học của động vật dễ dàng hơn là tạo ra màu xanh lục”.
Trên thực tế, ngay cả đối với loài động vật có vú duy nhất có màu tựa như xanh lục là con lười, thì nguyên nhân cũng là bởi một loài nấm mọc bên trong bộ lông của nó. Theo ghi nhận của khoa học, không có loài động vật nào có bộ lông màu xanh lục sống trên cạn.
Bên cạnh màu xanh lục, thì màu xanh lam (xanh da trời) cũng rất hiếm xuất hiện trong tự nhiên. Theo Kai Kupferschmidt, một nhà khoa học tại Đức cho biết, sự khác biệt về năng lượng là điều tạo nên màu xanh lam. Thí dụ như trong quang phổ khả kiến, màu đỏ có bước sóng dài, có nghĩa là nó có năng lượng rất thấp so với các màu khác. Tuy nhiên để có màu xanh lam, vật thể cần có khả năng tạo ra một phân tử có thể hấp thụ một lượng rất nhỏ năng lượng để hấp thụ phần màu đỏ của quang phổ.
Việc tạo ra các phân tử như vậy rất lớn và phức tạp, là điều khó khăn đối với cả thực vật và động vật. Đó cũng là lý do tại sao hoa màu xanh lam được tạo ra bởi ít hơn 10% trong số gần 300.000 loài thực vật có hoa trên thế giới, phó giáo sư Adrian Dyer, nhà khoa học thị giác tại Viện Công nghệ ở Melbourne, Úc cho biết.
Trong khi đó, màu xanh lam ở động vật không đến từ sắc tố hóa học. Thay vào đó, chúng dựa vào vật lý để tạo ra vẻ ngoài màu xanh lam. Đơn cử như bướm cánh xanh trong chi Morpho có cấu trúc nano phức tạp, nhiều lớp trên vảy cánh của chúng điều khiển các lớp ánh sáng để một số màu triệt tiêu lẫn nhau và chỉ có màu xanh lam được phản chiếu.
“Phải mất rất nhiều công sức để tạo ra màu xanh lam này; vì vậy, một câu hỏi khác được đặt ra là: Lý do tiến hóa tạo ra màu xanh lam là gì? Động lực là gì? Điều hấp dẫn khi bạn đi sâu vào những thế giới động vật này luôn là ai sẽ nhận thông điệp này và chúng có thể nhìn thấy màu xanh không?” các nhà khoa học đặt câu hỏi.
Tóm lại, có thể lý giải rằng động vật đa số có màu cam và nâu là bởi cấu trúc phân tử sinh học của chúng dễ thích nghi hơn với điều này.