Đã từ rất lâu, khi loài người thậm chí còn chưa tiến hóa, chúng ta đã bị cuốn vào một cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm, luôn biến đổi khó lường, đó là virus.
Với hầu hết các bệnh do virus gây ra, vaccine và thuốc kháng virus ngày nay đã cho phép chúng ta ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan trên diện rộng, và đã giúp những người bị nhiễm khỏi bệnh. Đối với một số căn bệnh, như bệnh đậu mùa – chúng ta thậm chí đã có thể loại bỏ khả năng những ca bệnh mới.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cả một chặng đường dài để đánh bại virus. Một số loại virus đã lây nhiễm từ động vật sang người trong những thập kỷ gần đây, gây ra nhiều đợt dịch lớn và giết chết hàng nghìn người. Điển hình như chủng virus đã gây ra đợt bùng phát Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi đã giết chết tới 90% số người mà nó lây nhiễm.
Đây cũng là biến chủng gây chết người cao nhất trong “gia đình virus” Ebola. Một số loại virus, bao gồm cả SARS-CoV-2 hiện đang bùng phát trên toàn cầu, dù có tỷ lệ tử vong thấp hơn, nhưng vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do chúng ta chưa có phương tiện để chống lại chúng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) , virus Marburg được các nhà khoa học xác định lần đầu tiên vào năm 1967. Một đợt bùng phát nhỏ lây lan giữa các nhân viên tại phòng thí nghiệm ở Đức khi họ tiếp xúc với những con khỉ bị nhiễm bệnh được chuyển đến từ Uganda.
Theo Mayo Clinic, các triệu chứng của virus Marburg tương tự như Ebola ở chỗ cả hai loại virus này đều có thể gây sốt xuất huyết. Triệu chứng của người bị nhiễm là sốt cao và xuất huyết khắp cơ thể dẫn đến sốc, suy nội tạng và tử vong.
Đây là một trong những virus nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử, dù tỷ lệ tử vong do ca bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên (năm 1967) chỉ là 24%. Theo thời gian, virus có nhiều biến chủng, và tỷ lệ tử vong trên người đã lên tới 83% trong đợt bùng phát năm 1998-2000 ở Cộng hòa Dân chủ Congo và thậm chí lên đến 100% trong đợt bùng phát năm 2017 ở Uganda, theo WHO.
Năm 1976, đợt bùng phát Ebola đầu tiên được ghi nhận trên người đã xảy ra đồng thời tại Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ebola chủ yếu lây lan khi tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác, hoặc mô của người/động vật bị nhiễm.
Dịch Ebola lần thứ 2 bùng phát ở Tây Phi (bắt đầu vào năm 2014) là đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất và phức tạp nhất cho đến nay, theo WHO.
Vào năm 2016, tổ chức Essential Human Virology cho biết một biến chủng của virus Ebola là Reston thậm chí còn không khiến người bệnh bị ốm. Nhưng đối với chủng Bundibugyo, tỷ lệ tử vong lên tới 50%, còn đối với chủng Sudan lên tới 71%.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tính đến tháng 6/2018 đã có khoảng 27.000 trường hợp lây nhiễm Ebola, và trên 11.000 người tử vong.
Mặc dù vaccine phòng dại cho vật nuôi đã được giới thiệu từ rất sớm, vào những năm 1920, nhưng bệnh dại vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia đông dân như Ấn Độ và một số khu vực của châu Phi.
Sự lây nhiễm từ loại virus này phát triển sau vết cắn hoặc vết cào của động vật bị nhiễm bệnh dại. Người nhiễm bệnh sẽ chịu những tổn thương não và dây thần kinh. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), một khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, cái chết là gần như chắc chắn nếu như không được điều trị.
Nước bọt từ động vật bị nhiễm cũng có thể truyền bệnh nếu tiếp xúc với mắt, miệng, hay mũi. Chó là động vật truyền nhiễm bệnh dại nhiều nhất, với tỷ lệ lên tới hơn 99% ca dại có liên quan tới chó ở các quốc gia mà chó có thể sinh sống và được chọn làm vật nuôi.
Theo ước tính của WHO, đã khoảng 32 triệu người chết vì HIV kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1980. Có giai đoạn, cứ 25 người trưởng thành ở khu vực Châu Phi thì gần 1 người bị dương tính với HIV, tương đương với hơn 2/3 số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Các loại thuốc kháng virus mạnh mẽ đã giúp người nhiễm HIV có thể sống trong nhiều năm. Nhưng căn bệnh này vẫn tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi 95% số ca nhiễm HIV mới xảy ra. Trong năm 2020, có 680.000 ca tử vong liên quan đến HIV trên toàn thế giới.
Con người đã chiến đấu với bệnh đậu mùa hàng nghìn năm và căn bệnh này đã giết chết khoảng 1/3 trong số những người bị nhiễm bệnh, theo BBC. Với những người sống sót, bệnh để lại những di chứng nặng nề như những vết sẹo sâu vĩnh viễn hay mù lòa.
Theo BBC, bệnh đậu mùa đã giết chết 90% dân số bản địa của châu Mỹ. Chỉ trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã giết chết 300 – 500 triệu người. Khoảng 20-60% số những người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 80% là trẻ em, đã tử vong. WHO ước lượng riêng năm 1967 có khoảng 15 triệu người nhiễm bệnh và 2 triệu người tử vong.
Sau chiến dịch tiêm chủng vaccine mạnh mẽ kéo dài từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, WHO lần đầu tiên công bố đã tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào năm 1979, giúp đây trở thành một trong hai bệnh truyền nhiễm đã được diệt dứt điểm.
Theo CDC, hội chứng phổi do virus Hantavirus (HPS) lần đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ vào năm 1993, khi một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh và vị hôn thê đã chết sau vài ngày sau khi gặp những cơn khó thở. Vài tháng sau, các cơ quan y tế đã phân lập được hantavirus từ một con chuột sống trong nhà của một trong những người bị nhiễm bệnh.
Ước tính, đã có hơn 600 người ở Mỹ mắc HPS, và 36% đã chết vì căn bệnh này, theo CDC. Điều đặc biệt là virus không truyền từ người sang người, mà do tiếp xúc với phân của những con chuột bị nhiễm bệnh.
Trước đây, một loại virus hantavirus khác đã gây ra đợt bùng phát vào đầu những năm 1950, trong Chiến tranh Triều Tiên. Hơn 3.000 binh sĩ Liên Hợp Quốc đã bị nhiễm bệnh, và khoảng 12% trong số họ đã chết.
Theo WHO, một đợt cúm tiêu chuẩn do siêu virus (SVC) có thể ghi nhận tới 650.000 người chết trên toàn thế giới. Điều nguy hiểm là khi một chủng cúm mới xuất hiện, một đại dịch dẫn đến việc lây lan cúm sẽ càng nhanh hơn và thường có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Theo CDC, đại dịch cúm gây chết người nhiều nhất còn được gọi là cúm Tây Ban Nha do dòng virus H1N1, bắt đầu từ năm 1918, đã gây bệnh cho 40% dân số thế giới, giết chết ước tính khoảng 50 triệu người.
SVC được cho là đã bắt đầu từ khoảng 2400 năm trước. Từ đó tới nay, SVC đã gây ra nhiều trận dịch – nhưng khó kiểm chứng vì triệu chứng cúm đôi khi bị lẫn lộn với các chứng bệnh như bạch hầu, dịch hạch, thương hàn…
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950 ở Philippines và Thái Lan. Sau đó, đã lây lan khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Theo tạp chí Nature, hiện có tới 40% dân số thế giới đang sống ở những khu vực lưu hành của bệnh sốt xuất huyết và căn bệnh này có khả năng lây lan rộng hơn khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên.
Theo WHO, bệnh sốt xuất huyết vẫn lây nhiễm cho từ 100 đến 400 triệu người mỗi năm. Mặc dù có tỷ lệ tử vong thấp hơn một số loại virus khác, song Dengue có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ, đồng thời có tỷ lệ biến đổi để gây ra bệnh tựa như Ebola, được gọi là sốt xuất huyết Dengue, có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 20% nếu không được điều trị.
Theo CDC, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng cho trẻ em từ 9-16 tuổi sống ở những khu vực phổ biến bệnh sốt xuất huyết và có tiền sử nhiễm virus đã được xác nhận. Ở một số quốc gia, vaccine đã được phê duyệt để tiêm cho những người từ 9-45 tuổi.
Hiện đã có 2 loại vắc xin để bảo vệ trẻ em khỏi virus rota – nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây lan nhanh chóng, thông qua con đường mà các nhà nghiên cứu gọi là đường phân – miệng hay tay – miệng.
Mặc dù trẻ em ở các nước phát triển hiếm khi tử vong do nhiễm virus rota, nhưng căn bệnh này là kẻ giết người số 1 ở các nước kém hoặc đang phát triển – nơi các phương pháp điều trị chưa được phổ biến rộng rãi.
WHO ước tính rằng trên toàn thế giới, có hơn 25 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú và 2 triệu trường hợp nhập viện mỗi năm do nhiễm virus rota. Tuy nhiên, việc sử dụng vaccine để đối phó virus này có chiều hướng tích cực, khi báo cáo về số ca nhập viện và tử vong do virus rota đã giảm mạnh.
Theo WHO, virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hay còn gọi là SARS, lần đầu tiên được xác định vào năm 2003 trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc.
Theo tạp chí Journal of Virology, loại virus này có thể bắt nguồn từ dơi, sau đó xâm nhập vào các loài động vật có vú sống về đêm được gọi là cầy hương trước khi lây nhiễm sang người.
Triệu chứng căn bệnh này là gây sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Sau đó, thường tiến triển thành viêm phổi cấp tính – một tình trạng nặng khiến phổi bị viêm và chứa đầy mủ. SARS có tỷ lệ tử vong ước tính là 9,6%, tuy nhiên, không có trường hợp SARS mới nào được báo cáo kể từ đầu những năm 2000, theo CDC.
SARS-CoV-2 thuộc cùng một họ virus lớn là SARS-CoV, được gọi là coronavirus, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Đợt bùng phát đầu tiên đã khiến Vũ Hán và các thành phố lân cận bị cách ly diện rộng, hạn chế việc đi lại đến và đi từ các quốc gia bị ảnh hưởng. Dịch bệnh sau đó bùng phát mạnh mẽ tại hầu hết các quốc gia, kéo theo những nỗ lực phát triển vaccine, chẩn đoán, điều trị và chữa bệnh trên toàn thế giới. Theo Reuters, kể từ khi xuất hiện, loại virus này đã gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Bệnh do SARS-CoV-2, được gọi là Covid-19, gây ra nguy cơ cao hơn cho những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, theo WHO. Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, ho, mất vị giác hoặc khứu giác và khó thở và các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm khó thở, đau ngực và mất khả năng vận động.
Vào ngày 23/8/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt vaccine Covid-19 đầu tiên, là Pfizer-BioNTech. Vào tháng 12/2020, Pfizer trở thành vaccine đầu tiên được phê duyệt sau một đợt thử nghiệm lâm sàng lớn.
Loại virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông, hay MERS, thuộc cùng họ virus với SARS-CoV và SARS-CoV-2, đã bùng phát ở Ả Rập Saudi vào năm 2012 và một đợt bùng phát khác ở Hàn Quốc vào năm 2015.
Theo WHO, căn bệnh này đã lây nhiễm cho lạc đà trước khi lây sang người và có thể gây sốt, ho và khó thở ở những người bị nhiễm. MERS hiện được coi là bệnh phổ biến nhất ở Trung Đông, thường tiến triển thành viêm phổi nặng và có tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 35%.
Theo NHS, hiện vẫn chưa có vaccine nào để ngăn ngừa căn bệnh này. Do đó, đây được xem là mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn Covid-19. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh là rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với lạc đà và không tiêu thụ các sản phẩm có chứa sữa động vật tươi sống.
Nội dung: Minh Khôi
Thiết kế: Thủy Tiên