(Lichngaytot.com) Thập Thần là khái niệm quen thuộc được dùng trong Tứ trụ, thể hiện mối quan hệ lục thân với “ta” là chủ thể. Cùng tìm hiểu chi tiết Thập Thần là gì cũng như ý nghĩa của mỗi “thần” là gì, từ đó bạn có thể dễ dàng luận đoán bát tự của mình.
Bạn đang xem: THẬP THẦN là gì trong Tứ trụ? Giải mã vận mệnh qua Thập Thần
Mục lục (Ẩn/Hiện)
1. Thập Thần là gì?
Thập Thần trong Bát Tự tượng trưng cho mối quan hệ lục thân, với “ta” là chủ thể. Lấy thiên can của ngày làm Nhật chủ, mệnh chủ, phối hợp với âm dương, ngũ hành sinh khắc của can chi tứ trụ để luận đoán.
Thiên can ngày tàng địa chi, mỗi địa chi ngày đại diện cho thập thần. 10 “thần” này vừa phản ánh tính cách của bản thân, cũng có thể phản ánh tình trạng của người thân.
Thập thần có tính chất riêng, mỗi “thần” đều có 2 loại thuộc tính chính – phản. Nếu là dụng thần tất tâm chính diện sẽ có biểu hiện nổi bật. Nếu là kỵ thần tất tâm tính phản diện sẽ nổi bật.
Thập Thần bao gồm: Chính Ấn, Thiên Ấn (hoặc Kiêu thần), Thương Quan, Thực Thần, Chính Quan, Thất Sát (hoặc Thiên Quan), Chính Tài, Thiên Tài, Kiếp Tài (hoặc Dương Nhẫn), Tỷ Kiên.
Mối quan hệ “ta” với nhật chủ
Cùng dấu
Khác dấu
Tên đầy đủ
Gọi tắt
Tên đầy đủ
Gọi tắt
Ngang vai “ta”
Tỷ Kiên
Tỷ
Kiếp Tài
Kiếp
“Ta” sinh
Thực Thần
Thực
Thương Quan
Thương
Sinh “ta”
Thiên Ấn
Kiêu
Chính Ấn
Ấn
“Ta” khắc
Thiên Tài
Thiên
Chính Tài
Tài
Khắc “ta”
Thiên Quan
Sát
Chính Quan
Quan
Liên hệ với Dịch Lý Học:
Ta
Gọi là Dụng Thần
Giúp Ta
Gọi là Nguyên Thần
Hại Ta
Gọi là Kỵ Thần
Ta giúp
Gọi là Tiết Thần
Ta hại
Gọi là Cừu Thần
2. Mối quan hệ sinh – khắc của Thập Thần
– QUAN HỆ TƯƠNG SINH
- Tỷ Kiên, Kiếp Tài (Ta) sinh Thực Thương
- Thực Thương sinh Tài (Chính Tài và Thiên Tài)
- Tài sinh Quan (Thiên Quan, Chính Quan)
- Quan sinh Ấn (Chính Ấn, Thiên Ấn)
- Ấn sinh Thân (Ta, Tỷ Kiên, Kiếp Tài)
– QUAN HỆ TƯƠNG KHẮC
- Ta khắc Tài (Chính Tài, Thiên Tài)
- Tài khắc Ấn (Chính Ấn, Thiên Ấn)
- Ấn khắc Thực Thương (Thực Thần, Thương Quan)
- Thực khắc Quan (Chính Quan, Thiên Quan)
- Quan khắc Ta (Tỷ Kiên, Kiếp Tài)
3. Ý nghĩa các nhóm Thập Thần
Người ta sẽ chia Thập Thần thành 5 nhóm gồm:
3.1 QUAN SÁT: Chính Quan, Thất Sát (Thiên Quan)
Mệnh có dụng thần Quan tinh, chỉ khi được người khác khích lệ, động viên mới có thành tựu.
Người khắc chế ta, quản lý ta trong Tử trụ gọi là Chính Quan và Thiên Quan
- Cái khắc, ta cùng tính âm dương với ta gọi là Thiên Quan (Thất Sát, gọi tắt là Sát).
- Cái khắc ta khác tính âm dương với ta gọi là Chính Quan (gọi tắt là Quan).
3.2 ẤN TINH: Chính Ấn, Thiên Ấn
Mệnh có dụng thần là Ấn tinh, thường luôn muốn được người khác quan tâm.
Người sinh ra ta là cha mẹ hay phụ mẫu, tử trụ gọi là Chính Ấn (Ấn) và Thiên Ấn (Kiêu).
- Người sinh ra ta cùng tính âm dương gọi là Thiên Ấn (Kiêu).
- Người sinh ra ta khác tính âm dương gọi là Chính Ấn (Ấn).
3.3 TỶ KIẾP: Tỷ Kiên, Kiếp Tài
Mệnh có dụng thần Tỷ Kiên, Kiếp Tài, chủ có bạn bè giúp đỡ mới dễ thành công.
Người ngang vai với ta là anh em, bạn bè, bằng hữu, tứ trụ gọi là Tỷ Kiên và Kiếp Tài.
- Cái cùng tính âm dương với ta gọi là Tỷ Kiên
- Cái khác tính âm dương với ta gọi là Kiếp Tài
3.4 THỰC THƯƠNG: Thương Quan, Thực Thần
Thực Thương là 1 cặp trong Thập thần. Cái mà ta sinh không chỉ con cái mà còn là năng lực, đồ đệ, gọi là Thực Thần hoặc Thương Quan.
Mệnh có dụng thần là Thương Quan, Thực Thần thường giàu tính sáng tạo.
- Cái ta sinh và cùng tính âm dương với ta gọi là Thực Thần.
- Cái ta sinh và khác tính âm dương với ta gọi là Thương Quan.
3.5 TÀI TINH: Chính Tài, Thiên Tài
Mệnh có dụng thần Tài tinh thường đặc biệt thích tiền. Mệnh nam có dụng thần Tài tinh, chủ càng nhiều tiền càng phong lưu.
Người ta khắc chế ràng buộc là cấp dưới, là cái làm hao ta, tứ trụ gọi là Chính Tài và Thiên Tài.
- Người ta khắc cùng tính âm dương gọi là Thiên Tài (gọi tắt là Thiên).
- Người ta khắc khác tính âm dương gọi là Chính Tài (gọi tắt là Tài).
4. Tính chất của Thập Thần
Thập Thần trong Tứ trụ đại diện cho công năng, chức vụ, quyền lực, tình cảm, tính cách, nghề nghiệp,… Cụ thể như sau:
4.1 Chính Quan
Chính Quan là cái khắc “ta”, đại diện cho quan chức tốt, chính trực trong chính quyền điều hành xã hội, mà con người phải tuân theo pháp luật nhà nước. Nói chung Chính Quan được coi là cát thần, nhất là khi Thân vượng.
Công năng của Chính Quan trong mệnh là bảo vệ Tài, áp chế Thân, khống chế Tỷ và Kiếp.
Thân vượng tài nhược thì nên có Chính Quan để bảo vệ tài. Thân vượng mà ấn nhược thì Chính Quan sẽ sinh ấn và chế ngự Thân cho bớt vượng. Thân vượng kiếp nhiều thì Chính Quan sẽ khắc chế kiếp.
Trong mệnh Chính Quan đại diện cho chức vụ, học vị, thi cử, bầu cử, danh dự, …. . Với nam Chính Quan còn đại diện cho tình cảm với con gái. Vì nam lấy tài làm vợ, tài sinh quan và sát là con, nên nam lấy quan làm con gái, sát làm con trai (vì âm, dương khác với nhật can là con gái, giống là con trai).
Tâm tính của Chính Quan: chính trực, có tinh thần trách nhiệm, đoan trang nghiêm túc, làm việc có đầu có đuôi. Nhưng dễ bảo thủ cứng nhắc, thậm chí là người không kiên nghị.
- Quan ở niên trụ: được hưởng phúc tổ tiên, có ý chí từ nhỏ, con đường học hành thuận lợi. Quan không gặp kỵ hay hóa hợp mà mất tính thì báo người xuất thân từ gia đình quan chức hoặc có địa vị cao, là người có địa vị.
- Quan ở nguyệt trụ: là người con út được nuông chiều, cuộc đời hanh thông, trọng tín nghĩa.
- Quan ở nhật trụ: thông minh, mưu lược, tài ứng biến. Nếu Thân vượng thì phát đại phúc. Nam giới có vợ hiền đoan trang, nữ giới có chồng tốt.
- Quan ở thời trụ: con cái hiếu thảo, bản thân cuối đời hưởng phúc.
Mệnh nữ có Chính Quan:
- Quan là sao biểu thị cho chồng, nếu bị hình, xung, khắc, phá, hoặc là kỵ thần thì nhân duyên không thuận, dễ bị oan khuất.
- Nhật chi có Quan, lại tọa Thiên đức, Nguyệt đức: là người hiền thục, đảm đang, chồng tốt.
- Quan tọa Trường sinh, Kiến lộc, Quan đới, Đế vượng: lấy chồng tốt, chồng có quan lộc cao; nếu tọa Tử, Mộ, Tuyệt: duyên vợ chồng chưa đẹp, có thể khắc chồng.
- Tứ trụ Chính Quan nhiều lại hợp: yểu điệu đa tình, tình ý không ngay chính.
- Chính Quan và sao Tài cùng cột: chồng giàu có.
- Chính Quan và Đào hoa cùng cột: sống rất dai.
- Chính Quan, Dịch mã cùng nhật chi: đẹp mà duyên bạc.
- Tọa cùng với Mộc dục: chồng hiếu sắc, đa tình.
- Quan gặp Không vong: Hôn nhân thường thay đổi, có tái hôn.
- Quan và Thiên Quan ở mệnh cục: hôn nhân phức tạp. Quan và Thiên Quan có can hợp hoặc chi hợp: dễ hai lần đò.
- Quan và Thương Quan ở mệnh cục: vợ chồng hay xa cách hoặc khó thành vợ chính thức.
- Quan nhược hoặc mệnh cục không có:
- Khi Tỷ Kiếp mạnh, tình cảm vợ chồng không mặn nồng.
- Không có Tài mà có Thương Quan: sớm khắc chết chồng.
- Nhiều Ấn, không có Tài: Khắc chồng.
- Nhiều Quan mà không có Ấn: Mệnh hạ tiện.
- Quan tọa Dương nhẫn: gặp việc trở ngại dễ bị cản phá.
4.2 Thất Sát (Thiên Quan)
Trong mệnh, Thất Sát chuyên tấn công lại Thân, cho nên Thân dễ bị tổn thương, khi đó cần có Thực Thương tới để khắc chế Thất Sát thì sẽ trở thành tốt (nghĩa là bắt quan xấu phải phục vụ cho mình “Thất Sát hóa thành quyền bính“).
Nói chung khi Thân nhược Thất Sát được coi là hung thần. Công năng của Thất Sát làm tổn hao tài, sinh ấn, công phá Thân, khắc chế tỷ kiếp.
Trong mệnh Thất Sát đại diện cho chức vụ về quân cảnh, hoặc nghề tư pháp, thi cử, bầu cử…
Với nam, Thất Sát còn đại diện cho tình cảm với con trai. Tâm tính của Thất Sát, hào hiệp, năng động, uy nghiêm, nhanh nhẹn…. nhưng dễ bị kích động, thậm chí dễ trở thành người ngang ngược, trụy lạc…
- Thiên Quan ở niên trụ: con đầu lòng là trai, bản thân xuất thân từ gia đình nghèo. Nếu Thương bị chế thì người đó đi vào binh nghiệp có địa vị nổi tiếng.
- Thiên Quan ở nguyệt trụ: can năm và can giờ có Thực Thần mà Thương chế ngự thì mệnh rất quý.
- Thiên Quan ở cột ngày: vợ hoặc chồng là người chính trực, cương nghị. Nếu không có Thực Thần chế ngự thì vợ chồng bất hòa. Nếu gặp xung thì có thể bị họa, cần đề phòng hay bị bệnh. Nếu có Thực khắc hoặc gặp được hợp để biến khác đi thì việc xấu được hóa giải.
- Thiên Quan ở thời trụ: con cái thường không hiền thục. Trong tứ trụ có Thần khắc Thiên Quan ở giờ thì lại sinh con quý tử.
Mệnh nữ có Thiên Quan:
- Tứ trụ nhiều Thiên Quan mà không có chế: dễ bị hiếp mất trinh tiết, hoặc ý chí không kiên cường, tính tình không ổn định.
- Can Chi đều có Thiên Quan lại có Chính Quan: mệnh tái giá.
- Chính Quan, Thiên Quan cùng trụ lại có Tỷ kiếp: chị em tranh một chồng.
- Quan Sát hỗn tạp, không có Thực Thương chế: làm ca kỹ, vợ lẽ, nếu được chế thì có thể làm vợ chính.
- Thiên Quan gặp Không vong mà không có giải cứu: vợ chồng duyên bạc.
- Thiên Quan tọa trường sinh, Quan đới, Kiến lộc. Đế vượng: chồng vinh hiển. Nếu toạ Tử, Mộ, Tuyệt thì duyên bạc.
- Thiên Quan tọa Mộc dục: chồng đa tình, thích phong lưu.
- Nhật chủ yếu, Thiên Quan vượng: người cô độc.
- Địa chi có Thiên Quan gặp Hình: vợ chồng bất hoà.
- Thiên Quan một sao, có Thực Thần, Dương nhận chế phục: Vợ đoạt quyền chồng.
- Thời trụ có Thất Sát, ngày tọa Dương Nhẫn: khắc chồng, làm kỹ nữ, có trợ giúp hóa giải thì tốt.
- Thiên Quan tọa Đào hoa: bạc mệnh.
- Thất Sát và Chính Ấn một trụ: mệnh tốt.
4.3 Chính Ấn
Chính Ấn là cái sinh ra “ta”, khi Thân nhược thường được coi là cát thần, ấn có nghĩa là con dấu, đại diện cho chức vụ, quyền lợi, học hành, nghề nghiệp, học thuật, sự nghiệp, danh dự, địa vị, phúc thọ….
Chính Ấn là sao thuộc về học thuật và còn đại diện cho tình cảm của mẹ đẻ. Công năng của Chính Ấn, sinh Thân, chống lại Thực Thương.
Tâm tính của Chính Ấn là thông minh, nhân từ, không tham danh lợi, chịu đựng nhưng ít khi tiến thủ, thậm chí còn chậm chạp, trì trệ….
- Chính Ấn tọa Hoa cái: mẹ thông minh.
- Tọa Dịch mã thì xa mẹ.
- Tọa Thiên ất quý nhân thì mẹ có danh tiếng.
- Tọa Thiên, Nguyệt đức thì mẹ nhân từ.
- Chính Ấn ở niên trụ: tiền đồ học hành tốt.
- Chính Ấn ở nguyệt trụ: người nhân từ hiền hậu, không bệnh tật. Trong tứ trụ có Thiên Quan, Chính Quan sinh ấn là người phúc hậu, phúc lớn. Tứ trụ không có Thiên Tài thì Ấn không bị khắc báo con đường khoa cử thành công.
- Chính Ấn ở nhật trụ: lấy được vợ (hay chồng, nhân hậu hiền từ, cả hai trường hợp đều được nhờ vào vợ (hay chồng).
Mệnh nữ có Chính Ấn:
- Thân vượng mà nhiều Chính Ấn: khắc chồng, chồng hay ốm yếu, ít con.
- Có Chính Ấn gặp Chính Quan là hỷ thần: dung mạo đẹp, sinh ở gia đình giàu có.
- Chính Ấn gặp Thiên đức, Nguyệt đức: là vợ hiền.
- Chính Ấn cùng trụ với Thương Quan Dương nhận: dễ đi tu.
- Tài nhiều mà vượng, Chính Ấn nhược: khó giữ đạo làm vợ.
4.4 Thiên Ấn (Kiêu)
Thiên Ấn (Kiêu) là cái sinh phù tôi, đại diện cho quyền uy trong nghề nghiệp như nghệ thuật, nghệ sĩ, y học, luật sư, tôn giáo, kỹ thuật, nghề tự do, những thành tích trong dịch vụ…. Nó còn đại diện cho tình cảm của dì ghẻ.
Công năng của Thiên Ấn sinh Thân, chống lại Thực Thương. Mệnh có Thiên Ấn có thể phù trợ cho Thân nhược. Nhưng gặp Thực Thần là mệnh lao dịch, vất vả.
Thiên Ấn quá nhiều thì đó là người phúc bạc, bất hạnh, tật bệnh hoặc con cái khó khăn khi đó chỉ có Thiên Tài mới có thể giải được các hạn này.
Người mà tứ trụ có Thân vượng, còn có Kiêu, Tài và Quan tất là người phú quý.
Mệnh có Thiên Ấn lại còn gặp Quan Sát hỗn tạp (có cả Chính Quan và Thiên Quan, không tính Quan và Sát là tạp khí) là người thắng lợi nhiều mà thất bại cũng lắm. Nói chung khi Thân vượng Thiên Ấn được coi là hung thần.
Tâm tính của Thiên Ấn là tinh thông tay nghề, phản ứng nhanh nhạy, nhiều tài nghệ, nhưng dễ cô độc, thiếu tính người, thậm chí ích kỷ, ghẻ lạnh…
- Thiên Ấn ở niên trụ: phá hoại tổ nghiệp, làm mất thanh danh gia đình, thiếu giáo dục.
- Thiên Ấn ở nguyệt trụ: thích hợp với các nghề y học, nghệ thuật, diễn viên, nghề tự do; làm dịch vụ. Nếu nguyệt trụ cùng có Thiên đức Nguyệt đức thì là người số mệnh đẹp, tính ôn hòa.
- Thiên Ấn ở nhật trụ: lấy vợ (hoặc chồng) khi là kỵ thần thì không hay.
- Thiên Ấn ở thời trụ: khi là kỵ thần thì không lợi cho con cái, con khó thành tài.
Mệnh nữ có Thiên Ấn:
- Nếu nhiều Thiên Ấn: chửa đẻ khó khăn.
- Thiên Ấn và Thực Thần cùng trụ: đẻ bị bệnh sản phụ.
- Can Chi đều có Thiên Ấn: khắc chồng phúc mỏng.
- Thiên Ấn quá nhiều: phúc bạc, nếu gặp cô thần dễ sống độc thân.
4.5 Tỷ Kiên
Tỷ Kiên là ngang “ta” (là can có cùng hành và cùng dấu với Nhật Can), gọi tắt là Tỷ, đại diện cho tay chân cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp, cùng phe phái, tranh lợi, đoạt tài, khắc vợ, khắc cha… Nữ đại diện cho tình chị em, nam đại biểu cho tình anh em.
Công năng của Tỷ Kiên có thể giúp Thân khi Thân nhược, cũng như tài nhiều (của cải nhiều) nhờ ngang vai giúp Thân để khỏi mất của. Nhưng Thân vượng lại có Tỷ nhiều mà không bị chế ngự là tay chân cấp dưới không hòa thuận, hoặc kết hôn muộn, tính tình thô bạo, cứng nhắc, cố chấp, không hòa hợp với cộng đồng, khắc cha, khắc vợ, làm nhiều mà không gặp tiền của.
Tâm tính của Tỷ là chắc chắn, cương nghị, mạo hiểm, dũng cảm, có chí tiến thủ, nhưng dễ cô độc, ít hòa nhập, thậm chí cô lập, đơn côi. Nói chung khi thân vượng Tỷ được coi là hung thần (vì lúc đó nó tranh đoạt tài với Thân).
Nếu:
- Tỷ Kiên ở niên trụ: xu hướng sống độc lập, nhà nghèo vất vả từ nhỏ.
- Tỷ Kiên ở nguyệt trụ: có tính lý tài, có ý nắm gọn của cải, sống độc lập.
- Tỷ Kiên ở nhật trụ: hôn nhân muộn hay tái hôn, dễ thay đổi hôn nhân, không lợi cho đi xa.
- Tỷ Kiên ở cột giờ: ít con, dễ làm con nuôi.
Tỷ Kiên ở mệnh nữ:
- Nhật chủ vượng, nhiều Tỷ Kiên lại không có quan: ít con cái.
- Tỷ kiến hợp Quan: chồng bị tranh đoạt.
- Tỷ Kiên quá nhiều: vợ chồng, gia đình bất hoà, có chuyện trai gái lôi thôi.
- Tỷ Kiên và Kiếp Tài cùng trụ: Vợ chồng hay tranh chấp nhau.
- Tỷ Kiên trong tứ trụ mạnh: theo chủ nghĩa sống độc thân.
- Tỷ Kiên mạnh, Quan yếu: vợ chồng duyên mỏng.
- Thiên can có Tỷ, Kiếp: đa tình tranh chồng.
- Có Tỷ Kiên Dương nhận hình xung phá hại: đề phòng tai nạn.
- Trong tứ trụ nhiều Tỷ, Kiếp: có người đố kỵ ganh ghét.
4.6 Kiếp Tài
Kiếp Tài cũng là ngang “ta” (là can hành nhưng khác dấu với Nhật Can), gọi tắt là Kiếp. Nó đại diện cho tay chân cấp dưới, bạn bè, tranh lợi đoạt tài, khắc vợ, khắc cha, lang thang….
Thân vượng mà có nhiều Kiếp cũng giống như Tỷ Kiên ở trên. Nữ đại diện cho tình anh em, nam đại diện cho tình chị em….
Công năng của Kiếp cũng giống như của Tỷ. Tâm tính của Kiếp Tài là nhiệt tình, thẳng thắn, ý chí kiên nhẫn, phấn đấu bất khuất, nhưng dễ thiên về mù quáng, thiếu lý trí, thậm chí manh động, liều lĩnh….
Trong tứ trụ nhiều Kiếp Tài, nam thì khắc vợ, vợ nhiều bệnh. Nữ thì mất – tranh chồng hoặc hao tổn tài, khó giàu, anh em không hòa thuận, hay bị phản. Tính tình ngoan cố, không phân biệt phải trái, hay bị người đời chán ghét đối địch.
Kiếp Tài và Thiên Tài cùng một cột thời gian thì không có lợi cho cha, dễ tái hôn. Trong mệnh cục mà hỷ tài nhưng bị Kiếp Tài khắc phá thì dễ bị hao mòn tài sản, không lợi cho vợ. Mệnh hỷ kiếp nếu bị quan đến phá thì chủ về con cái ngỗ ngược hoặc không hay.
- Kiếp Tài ở niên trụ: Người hãm tài, thiếu nghĩa khí, hay thay đổi hôn nhân, bị cấp dưới thiếu trung thành.
- Kiếp Tài ở nguyệt trụ: Ham cờ bạc, khó có của cải, lòng tự trọng cao, ham tạo ra hình thức bề ngoài, hay bất bình với xung quanh, hay xung đột với mọi người.
- Kiếp Tài ở nhật trụ: Hôn nhân chậm, có thể tái hôn, nam có thể đoạt vợ người.
- Kiếp Tài ở thời trụ: Đường con cái khó khăn, khắc con.
4.7 Thực Thần
Thực Thần là cái mà nhật can sinh ra (cùng dấu với Nhật Can). Đại diện cho phúc thọ, người béo, có lộc. Nữ đại diện cho tình cảm với con gái.
Công năng của Thực Thần làm sinh tài, đối địch với Thất Sát, làm Quan bị tổn thương. Khi gặp Sát thì có thể chế phục làm cho Thân được yên ổn không có tai họa, nên nói chung được xem là cát thần.
Tâm tính của Thực Thần, ôn hòa, rộng rãi với mọi người, hiền lành, thân mật, ra vẻ tốt bề ngoài nhưng trong không thực bụng, thậm chí nhút nhát, giả tạo.
Can chi đều có Thực Thần thì phúc lộc dồi dào, nhưng không thích hợp cho người công chức mà thích hợp với những người làm nghề tự do. Mệnh nữ có Thực Thần là hay khinh rẻ chồng.
Thực và Sát cùng một trụ là người có dịp nắm quyền binh nhưng dễ bị vất vả, lao khổ, tai ách và ít con. Can có Thực Thần, chi có Tỷ Kiên là chủ về người có thân thích, bạn hữu hoặc tay chân giúp đỡ.
Can là Thực Thần, chi là Kiếp Tài là chủ về người phúc đức giàu có, khi gặp điều xấu vẫn có lợi.
- Thực Thần tọa Trường sinh
- Thực Thần gặp hình xung: nhỏ tuổi sớm đã xa mẹ.
- Thực Thần tọa Trường sinh, Quan đới, Kiến lộc, Đế vượng hoặc cát thần: tài lộc song toàn.
- Thực Thần tọa Mộ: khó thọ. Tọa Tử, Tuyệt, Bệnh hoặc gặp Không vong hay hung sát thì phúc mỏng, dễ bạc mệnh.
- Chi tàng can sinh Thực Thần
- Can Chi đều sinh Thực Thần thì phúc lộc đầy đủ.
- Tứ trụ có 1 Thực Thần, Nhật trụ có Chính Quan thì phú quý; nếu cột tháng có kiến lộc thì càng phát; cột giờ có Kiến lộc thì trung niên và về già phát đạt.
- Tứ trụ có 4 Thực Thần: bần hàn. Mệnh nữ gặp phong trần, nhưng gặp Thiên Ấn thì có được hóa giải.
- Nhiều Thực Thần, ít Thiên Quan: hiếm con.
- Can sinh Thực Thần, Chi sinh Kiếp Tài: có phúc lớn, gặp nguy hóa an.
- Can sinh Thực Thần, Chi sinh Tỷ Kiên: anh em giúp lẫn nhau. Thực Thần Thiên Ấn cùng trụ: ở một mình.
Nếu:
- Thực Thần ở niên trụ: được hưởng âm đức của tổ tiên, sự nghiệp phát triển, sống an bình.
- Thực Thần ở nguyệt trụ: can tháng sinh ra Thực Thần, chi tháng tàng can mà từ đó sinh ra Quan (Thương Quan hay Chính Quan) thì đó là người tài phát đạt, nếu là công chức thì càng phát.
- Thực Thần ở nhật trụ: Thực do chi tàng can, từ đó sinh Thực là lấy được vợ hay chồng tốt.
- Thực Thần ở thời trụ: cuối đời có phúc, nhưng Thực và Thiên Ấn cùng một cột thì có thể cô đơn.
Mệnh nữ có Thực Thần:
- Tứ trụ nhiều Thực Thần: đa tình, làm lẽ, phong trần, vợ góa. Nếu Nhật chủ yếu thì càng rõ.
- Ngày Can dương nhiều Thực Thần: mệnh phong trần.
- Ngày Can âm nhiều Thực Thần: làm nghề tạp vụ, phục vụ viên.
- Thực Thần và Thiên Quan cùng trụ: sinh nở khó khăn, nếu ở cột giờ thì khó lấy chồng.
- Thực Thần tọa Mộc dục, Đào hoa: con cái phong lưu, hiếu sắc.
- Thực Thần tọa Dịch mã: con cái xa cha mẹ.
- Thực Thần tọa cát thần, Quý nhân: con cái thông minh trí tuệ.
- Thực Thần gặp Không vong: ít con cái.
4.8 Thương Quan
Thương Quan cũng là cái nhật can sinh ra (nhưng khác dấu với Nhật Can), đại diện cho bị mất chức, bỏ học, thôi việc, mất quyền, mất ngôi, không trúng tuyển, không thi đỗ, không lợi cho người nhà và chồng. Nữ đại diện cho tình cảm với con trai.
Công năng của Thương Quan là sinh tài, đối địch với Thất Sát, làm thương tổn Quan, sợ nhất là “Thương Quan gặp quan là họa trăm đường ập đến”. Nói chung Thương Quan được xem là hung thần, nhất là khi Thân nhược.
Tâm tính của Thương Quan là thông minh, hoạt bát, tài hoa dồi dào, hiếu thắng, nhưng dễ tùy tiện, thiếu sự kiềm chế ràng buộc, thậm chí tự do vô chính phủ…
Người Thương Quan lộ rõ (lộ và vượng) tâm tính thanh cao hiên ngang, dám chửi mắng cả quỷ thần. Nhật Can vượng thì lại càng hung hăng hơn, loại người này tính xấu. Những người bề trên cũng không dám đụng đến nó, kẻ tiểu nhân thì càng sợ mà lánh cho xa.
Nhưng Thương Quan vượng mà Thân nhược thì tính tình vẫn là Thương Quan, chỉ có điều không ghê gớm đến như thế. Thương Quan trong tứ trụ nếu có Thân vượng thì nó là hỷ dụng thần khi hành đến vận tài phú quý tự nhiên đến.
4.9 Chính Tài
Chính Tài là cái bị Thân khắc (có dấu khác với Nhật Can) là cái nuôi sống “ta”, đại diện cho tài lộc, sản nghiệp, tài vận, tiền lương. Còn đại diện cho vợ cả (với nam).
Công năng của Chính Tài là sinh quan và sát, áp chế kiêu thần, làm hại Chính Ấn. Nói chung Chính Tài được coi là cát thần.
Tâm tính của Chính Tài là cần cù, tiết kiệm, chắc chắn, thật thà, nhưng dễ thiên về cẩu thả, thiếu tính tiến thủ, thậm chí trở thành nhu nhược, không có tài năng…
Người Thân vượng, tài vượng là bậc phú ông trong thiên hạ, nếu có cả Chính Quan là phú quý song toàn, nam thì được vợ hiền nội trợ tốt. Ngược lại người Thân nhược mà tài vượng thì không những nghèo mà cầu tài rất khó khăn, trong nhà vợ nắm quyền hành.
Tài nhiều thường không lợi cho đường học hành, là người dốt nát. Địa chi tàng tài là tài phong phú, tài thấu ra là người khảng khái.
Tài có kho (ví dụ: nếu Ất là tài thì kho là Dần và Mão hay tàng trong các chi Thổ) khi gặp xung tất sẽ phát tài (như tài là Ất, Mậu hay Quý tàng trong Thìn khi gặp Tuất ở tuế vận xung Thìn).
Thân vượng có Chính Tài còn gặp Thực Thần là được vợ hiền giúp đỡ. Chính Tài và Kiếp Tài cùng xuất hiện trong tứ trụ thì trong cuộc đời dễ gặp phải tiểu nhân nên tài dễ bị tổn thất.
- Chính Tài tọa Mộc dục hoặc Đào hoa: vợ dễ ngoại tình.
- Chính Tài tọa Dịch mã: vợ hiền. Tọa Mộ, Tử, Tuyệt: vợ chồng lạnh nhạt.
- Tọa Dương nhẫn: vợ chồng bất hòa; tọa Hoa cái: vợ thông minh nhưng thích cô độc.
- Tọa Thiên ất quý nhân: vợ đẹp thông minh nhanh nhẹn.
- Chính Tài và Chi ngày hội hợp: vợ chồng yêu nhau hòa thuận; không hợp với Chi ngày mà hội hợp với chi khác: vợ bất chính.
- Mệnh cục đều có Chính Tài, Kiếp Tài: cuộc đời dễ gặp tiểu nhân phá hoại làm tổn tài.
- Tứ trụ có Chính Tài nhưng quan sát vượng: vợ chán chồng, chồng sợ vợ.
- Mệnh nam tứ trụ có Chính Tài hợp Can ngày: thường có hai vợ, hưởng phúc người khác, hai vợ dễ tranh chấp, gia đình sóng gió.
Nếu:
- Chính Tài ở niên trụ: thân vượng là cha ông giàu có…
- Chính Tài ở nguyệt trụ: là người cần cù tiết kiệm, sống nhờ cha mẹ, cha mẹ có của.
- Chính Tài ở nhật trụ: nhờ vợ mà thành giàu có, nếu gặp hình xung khắc hại thì vợ chồng bất hòa.
- Chính Tài ở thời trụ: con cái sẽ giàu có.
Mệnh nữ có Chính Tài:
- Nếu thân nhược, Chính Tài nhiều lại vượng hoặc hội, hợp thành cục: lẳng lơ hay vụng trộm trong tình ái.
- Chính Tài quá vượng: không hợp với nhà chồng, vợ chồng nên ở riêng.
- Chính Tài Quan lộ thiên Can: tính ôn hoà; Chính Tài, Quan không lộ thiên Can: tính ương ngạnh.
- Chính Tài quá nhiều mà phá ấn: bất hòa với bà cô em chồng…
4.10 Thiên Tài
Thiên Tài cũng là cái bị Thân khắc (nhưng cùng dấu với Nhật Can) cũng là cái nuôi sống “ta”., đại diện cho của riêng, trúng thưởng, phát tài nhanh, đánh bạc, tình cảm với cha. Với nam còn đại diện cho tình cảm với vợ lẽ.
Công năng của Thiên Tài: sinh quan sát, áp chế kiêu thần, làm hại Chính Ấn. Nói chung Thiên Tài được coi là cát thần.
Tâm tính của Thiên Tài là khảng khái, trọng tình cảm, thông minh, nhạy bén, lạc quan, phóng khoáng, nhưng dễ thiên về ba hoa, bề ngoài, thiếu sự kiềm chế, thậm chí là người phù phiếm….
Thiên Tài đại diện cho cha hoặc vợ lẽ, hoặc nguồn của cải bằng nghề phụ. Thân vượng, tài vượng, quan vượng thì danh lợi đều có, phú quý song toàn. Thiên Tài thấu can thì kỵ nhất gặp Tỷ và Kiếp, vì như thế vừa khắc cha lại làm tổn hại vợ (với nam).
Can chi đều có Thiên Tài là người xa quê lập nghiệp trở nên giàu có, tình duyên tốt đẹp, của cải nhiều. Thiên Tài được lệnh (vượng ở tháng sinh) là cha con hoặc thê thiếp hòa thuận, được của nhờ cha hoặc nhờ vợ, cha và vợ đều sống lâu, vinh hiển. Thiên Tài lâm Mộc Dục là người háo sắc phong lưu. Thiên Tài lâm Mộ địa là cha hoặc vợ dễ chết sớm.
- Thiên Tài ở niên trụ: sẽ xa quê, long đong lận đận. Can năm có Thiên Tài, chi năm có Tỷ Kiếp là cha xa quê, mất nơi đất khách quê người.
- Thiên Tài ở nguyệt trụ: can năm, can tháng đều có Thiên Tài là trong gia đình cha nắm quyền, hoặc bản thân làm con nuôi.
- Nguyệt trụ có Thiên Tài, thời trụ có Tỷ Kiếp trước giàu sau nghèo. Chi giờ tàng can mà từ đó có Thiên Tài, vợ thứ đoạt quyền vợ cả hoặc chồng thiên lệch vợ lẽ.
- Nhật, thời trụ có Thiên Tài, nếu không bị hình xung, gặp Tỷ kiếp thì trung niên và cuối đời giàu có phát đạt.
Mệnh nữ có Thiên Tài:
- Thiên Tài nhiều lại quá vượng, Thân nhưng lại kỵ Tài: phần lớn vì bố mẹ mà bị liên lụy.
5. Cách tính thập thần trên bàn tay
Các vị trí sau đây cần thuộc lòng trên bàn tay gồm 3 hàng:
- Hàng trên cùng: tính từ ngón út. Bắt đầu từ chữ Kiếp, từ ngón út đọc từ phải qua trái Kiếp – Thương – Ấn – Tài – Quan.
- Hàng giữa: Cũng tính từ ngón út, đọc từ phải qua trái: Ta – Sinh – Ta – Khắc – Ta
- Hàng dưới cùng: Bắt đầu chữ từ ngón út, đọc từ phải qua trái: Tỷ – Thực – Kiêu – Thiên – Sát.
Từ hình minh họa trên ta hiểu và sử dụng như sau:
- Chữ Ta tại ngón út chính là Nhật chủ – tức Tỷ, Kiếp.
- Chữ Sinh tại ngón đeo nhẫn là Ta sinh – tức Thực, Thương.
- Chữ Ta tại ngón giữa là Sinh Ta – Tức Ấn, Kiêu.
- Chữ Khắc tại ngón trỏ là Ta Khắc – Tức là Thiên, Tài.
- Chữ Ta tại ngón cái là Khắc Ta tức Quan, Sát.
Hàng chữ trên cùng đọc từ phải qua trái là Kiếp, Thương, Ấn, Tài, Quan. Là Thập Thần, đại diện cho các can xét quan hệ khác dấu với Nhật chủ.
Hàng chữ dưới cùng đọc từ phải qua trái là Tỷ, Thực, Kiêu, Thiên, Sát là Thập thần đại diện cho các can xét quan hệ cùng dấu với Nhật chủ.
Ví dụ 1: Can ngày là Giáp, can Ất có Thập thần đại diện là gì? Ta biết Giáp là dương Mộc, Ất là âm Mộc khác dấu nhau. Giáp và Ất ngang vai, vì ngang vai nên ta dùng chữ TA ở dòng giữa, ngón út. Giáp Ất khác dấu nên từ chữ TA đọc lên vị trí tương ứng của dòng trên là Kiếp (dòng khác dấu) vậy Thập thần đại diện Ất là Kiếp Tài (Kiếp)
Ví dụ 2: Can ngày là Giáp, can Bính có Thập thần đại diện là gì? Giáp là dương Mộc, Bính là dương Hỏa, Mộc sinh Hỏa tức Giáp sinh ra Bính nên nói rằng Bính là Cái mà TA sinh. Ta sinh nằm ở ngón đeo nhẫn dòng giữa (chữ sinh) vì Giáp Bính cùng dấu dương nên đọc tại vị trí tương ứng ở dòng dưới là Thực.
Vậy Thập thần đại diện cho can Bính là Thực Thần (Thực).
Ví dụ 3: Can ngày là Đinh, can Canh có thập thần đại diện là gì?
Đinh là âm Hỏa, Canh là dương Kim, Hỏa khắc kim tức Đinh khắc Canh, ở dòng giữa. Vì Đinh Canh khác dấu nên đọc tại vị trí tương ứng ở dòng trên cùng là Tài.
Sử dụng thành thạo phương pháp này chúng ta sẽ an Thập thần rất nhanh, ít lầm lẫn mà không cần phải tra cứu tài liệu.
Trên đây Lịch ngày TỐT đã giới thiệu chi tiết với bạn đọc các kiến thức về Thập Thần, thông qua đó giúp bạn dễ dàng luận giải vận mệnh và tự mình tính toán can ngày dễ dàng. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Xem thêm: Buộc miếng bùi nhùi thép cọ nồi vào chai nhựa, cả nhà cùng hưởng lợi ích quý giá