Thái Bình Dương hiện nay được xem là đại dương lớn nhất của Trái Đất, với việc bao phủ hơn 30% bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, đây chỉ là một “tàn tích” của thứ từng là đại dương lớn nhất trong lịch sử hình thành Trái Đất.
Theo Brendan Murphy, giáo sư địa chất tại Đại học St. Francis Xavier (Canada), đại dương lớn nhất trong lịch sử có tên Panthalassa. Đây là một vùng biển trải dài khắp thế giới, bao quanh siêu lục địa Pangea từ khoảng 300 triệu đến 200 triệu năm trước, cuối đại Cổ Sinh và đầu đại Trung Sinh.
“Đại dương lớn nhất thường xảy ra khi siêu lục địa hình thành. Bởi chỉ khi chúng ta có một siêu lục địa, thì mới có một đại dương tồn tại xung quanh nó”, Murphy nói.
Đại dương này bao gồm Thái Bình Dương (ngày nay) ở khu vực phía Tây và phía bắc của biển Tethys. Sau này, Panthalassa đã trở thành Thái Bình Dương, do hệ quả từ sự khép lại của lòng chảo Tethys và sự tan vỡ của lục địa Pangaea. Vì lý do này nên Panthalassa thường được gọi là Cổ-Thái Bình Dương
Nếu tính theo diện tích bề mặt, Panthalassa khiến Thái Bình Dương trở nên vô cùng nhỏ bé. Đại dương này bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái Đất, theo một báo cáo trên tạp chí Earth-Science Reviews, với diện tích ước tính 360 triệu km vuông.
Một điều thú vị là Thái Bình Dương sẽ không còn là đại dương lớn nhất trong tương lai.
Theo dự đoán của các nhà địa chất về chuyển động của mảng kiến tạo, Australia sẽ chia cắt Thái Bình Dương trong vòng 70 triệu năm tới. Cùng với đó, Đại Tây Dương sẽ mở rộng, và rốt cuộc chiếm lấy “vương miện” của đại dương lớn nhất Trái Đất.