Đã bao giờ bạn đọc sách và tưởng tượng ra trang phục ngoài đời của nhân vật mình yêu thích? Không có gì ngạc nhiên khi thời trang và văn học liên tục tác động lẫn nhau qua nhiều thế kỷ, đến mức biên tập viên huyền thoại Diana Vreeland đã viết trong cuốn tự truyện rằng: “Thời trang sẽ ở đâu nếu không có văn học?”.
Các nhà văn đã tìm cảm hứng từ thời trang của thời đại để tạo ra những bộ váy khiến nhiều thế hệ độc giả mơ ước. Các nhà làm phim lại biến những thiết kế vốn chỉ được mô tả qua những con chữ thành các siêu phẩm sống động trên màn ảnh rộng.
Dưới đây là những bộ váy đáng nhớ nhất được lấy cảm hứng từ những kiệt tác văn học.
1. War and Peace
Nhân vật: Natasha Rostova / Nữ diễn viên: Audrey Hepburn
Viết bởi: Lev Tolstoj (1865-1869) / Đạo diễn: King Vidor (1956)
“Chiến tranh và hòa bình” (tiếng Nga: Война и мир) là một tiểu thuyết của Lev Nikolayevich Tolstoy, được xuất bản rải rác trong giai đoạn 1865-1869. Tác phẩm được xem là thành tựu văn học xuất sắc nhất của Tolstoy, cũng như một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới.
Tác phẩm mở đầu với khung cảnh một buổi tiếp tân, nơi có đủ mặt các nhân vật sang trọng của giới quý tộc Nga tại kinh kỳ Sankt-Peterburg. Bên cạnh những câu chuyện thường nhật của giới quý tộc, người ta bắt đầu nhắc đến Hoàng đế Napoléon I và cuộc chiến tranh chống Pháp sắp tới mà Nga sắp tham gia.
Buổi tối ngày 31 tháng 12, đêm giao thừa năm 1810, tại một buổi dạ hội với sự góp mặt của tất cả giới quý tộc Nga, cô gái trẻ Natasha Rostova cũng chính thức ra mắt. Cô bắt đầu chuẩn bị từ 8 giờ sáng, mặc “tất lụa, giày sa tanh trắng có nơ, váy phủ trên váy lót màu hồng, với những bông hồng nhỏ trên vạt áo” và để kiểu tóc kiểu Hy Lạp.
Trong bản chuyển thể năm 1956, chiếc váy quan trọng này được thực hiện bởi Fernanda Gattinoni. Thiết kế phản ánh thời trang đầu những năm 1800 nhưng hơi khác biệt so với các mô tả trong sách. Nó có màu trắng, được trang trí bằng các chi tiết lấp lánh và các hình thêu trong suốt, tinh xảo.
2. The Leopard
Nhân vật: Angelica Sedara / Nữ diễn viên: Claudia Cardinale
Viết bởi: Giuseppe Tomasi di Lampedusa (1958) / Đạo diễn: Luchino Visconti (1963)
“The Leopard” được lấy bối cảnh ở Sicily thế kỷ 19, kể về sự sa cơ của ông hoàng Don Fabrizio Corbera xứ Salina. Chuyện được bắt đầu từ năm 1860 khi tổ chức Thống nhất Italia do Giuseppe Garibaldi đứng đầu đổ bộ lên Sicily và kết thúc năm 1910 bằng cảnh định giá những hòm đựng thánh tích của ông hoàng Corbera, vốn được cô con gái độc thân của ông bảo quản.
Ngoài ra, chuyện còn kể về cháu trai Tancredi vốn được ông yêu nhưng lại ủng hộ những nỗ lực thống nhất đất nước Italia của Giuseppe Garibaldi. Đây là hành động đáp trả của Tancredi vì chú không đồng ý cho anh kết hôn với Angelica, cô gái xinh đẹp có cha là nông dân nghèo, mẹ mù chữ nhưng có chí tiến thủ.
Tuyên bố của Tancredi được xem là xuyên suốt của “The Leopard” vì nó phá vỡ tư tưởng cục bộ địa phương, do người Sicily không bao giờ muốn cải cách, mở mang tư tưởng vì một lý do rất đơn giản: họ cho rằng họ là những người đã hoàn hảo. Và chính ông hoàng Don Fabrizio Corbera đôi khi cũng cực đoan không muốn trở thành nghị sĩ của nước cộng hòa Italia mới. Thay vào đó, ông đề nghị cha của nàng Angelica, lúc này đã trở thành một nông dân giàu có ra làm thay ông.
Tại một thời điểm trong câu chuyện về sự suy tàn của tầng lớp quý tộc và sự ra đời của giai cấp tư sản mới trong thời kỳ Phục hưng của Ý, Angelica Sedara xinh đẹp đã xuất hiện tại một vũ hội lớn trong một chiếc váy lộng lẫy.
Trong sách, chiếc váy được mô tả là có màu hồng, nhưng khi lên phim, nhà thiết kế trang phục Piero Tosi đã chuyển nó thành màu trắng. Chiếc váy được làm bằng organza và ngà voi, có nhiều diềm xếp nếp cầu kỳ, chân váy xòe rộng và tay áo kịch tính. Claudia Cardinale đeo trang sức cực kỳ đơn giản để chiếc váy càng thêm nổi bật.
3. Breakfast at Tiffany’s
Nhân vật: Holly Golightly / Nữ diễn viên: Audrey Hepburn
Viết bởi: Truman Capote (1958) / Đạo diễn: Blake Edwards (1961)
“Breakfast at Tiffany’s” (Tạm dịch: “Bữa sáng ở Tiffany’s”) là một bộ phim Mỹ năm 1961 với các diễn viên chính Audrey Hepburn và George Peppard, cùng với Patricia Neal, Buddy Ebsen, Martin Balsam, và Mickey Rooney. Phim được đạo diễn bởi Blake Edwards và hãng Paramount Pictures phát hành.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên, kể về cô gái Holly xinh đẹp miền quê Texas lên New York với mong muốn kiếm một tấm chồng giàu có và hòa nhập vào xã hội thượng lưu. Một ngày kia nhà văn trẻ và nghèo khó tên là Paul Varjak xuất hiện và Holly dần nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
“Cô ấy mặc một chiếc váy đen, vừa vặn và tươi tắn, cô ấy đi dép quai hậu đen và đeo một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai. Một cặp kính đen che khuất đôi mắt cô ấy” – Đây là cách Holly Golightly được mô tả ở phần đầu của “Breakfast at Tiffany’s”.
Chiếc váy huyền thoại trong phân cảnh này được tạo ra bởi nhà thiết kế thiên tài Hubert de Givenchy. Sau khi xuất hiện trên màn ảnh rộng, nó được mệnh danh là chiếc váy đen nhỏ mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử điện ảnh.
4. The Scarlett Letter
Nhân vật: Hester Prynne / Nữ diễn viên: Demi Moore
Viết bởi: Nathaniel Hawthorne (1850) / Đạo diễn: Roland Joffé (1995)
“The Scarlet Letter” (Tạm dịch: “Chữ A màu đỏ” hay “Nét chữ màu đỏ”) là một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1850 của Nathaniel Hawthorne và được xem là một kiệt tác của ông.
Lấy bối cảnh thành phố Boston thế kỷ 17, tiểu thuyết kể về Hester Prynne, một phụ nữ trẻ đẹp bị buộc phải mang mẫu tự “A” (viết tắt của Adultery nghĩa là ngoại tình) màu đỏ thắm thêu trên ngực áo suốt đời vì bị khép vào tội ngoại tình – một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án hết sức nghiêm khắc – tử hình nếu không có yếu tố khoan dung. Xuyên suốt tác phẩm, Hawthorne đề cập đến tội lỗi, hình phạt và sự khoan dung.
5. Harry Potter and the Goblet of Fire
Nhân vật: Hermione Granger / Nữ diễn viên: Emma Watson
Viết bởi: J.K. Rowling (2000) / Đạo diễn: Mike Newell (2005)
“Đó là Hermione, nhưng cô ấy chẳng giống Hermione chút nào…Cô ấy đang mặc một chiếc áo choàng làm bằng chất liệu nổi, màu xanh dừa cạn, nhìn cô ấy rất khác với thường này, hoặc đó có thể chỉ là do cô ấy không đeo 20 cuốn sách trên lưng như mọi khi”. Hermione trông rất khác biệt khi tham gia vũ hội với Victor Krum.
Nhà thiết kế trang phục Jany Temime nhận thức được tầm quan trọng của thời điểm này nên đã tạo ra một chiếc váy mang tính “lột xác” tương tự như với Lọ Lem. Nhiều fan của Harry Potter không hài lòng với chiếc váy màu hồng trong phim, nhưng không ai có thể phủ nhận Hermione trông vô cùng ấn tượng trong phân cảnh này.
6. Atonement
Nhân vật: Cecilia Tallis / Nữ diễn viên: Keira Knightley
Viết bởi: Ian McEwan (2001) / Đạo diễn: Joe Wright (2007)
Trong thế giới điện ảnh, đôi khi những trang phục được mặc bởi nhân vật lại nổi tiếng hơn chính bộ phim và cả dàn diễn viên. Đây chính xác là trường hợp của chiếc váy xanh huyền thoại mà Keira Knightley mặc trong “Atonement”.
Chiếc váy dạ hội Petticoat làm từ lụa sa tanh mềm mại, hững hờ, hở lưng hoàn toàn với những đường cắt laser nhỏ dọc theo đường viền cổ áo là một tác phẩm của nhà thiết kế trang phục người Anh, Jacqueline Durran. Cô muốn tạo ra một chiếc váy phù hợp với hoàn cảnh những năm 30 nhưng cũng phải thấm đẫm tinh thần tiên phong.
“Chúng tôi muốn một vẻ ngoài chân thực nhưng ẩn chứa trong đó là sự tươi mới, nó phải được đánh giá cao bởi con mắt hiện đại. Tôi rất vui vì kết quả cuối cùng là chính là sự tổng hòa của tất cả những gì chúng tôi muốn”, Jacqueline Durran nói.
Qua màn ảnh, chúng ta thấy nữ diễn viên Keira Knightley mặc một chiếc váy liền, nhưng thực ra thiết kế này có 2 mảnh, giúp cô chuyển động dễ dàng hơn. Chất liệu vải mỏng đến mức đội phục trang phải tạo ra mười chiếc áo và bốn chiếc váy để sơ cua.
Hầu hết những chiếc áo này đều không được khâu ở phía trước để bạn diễn tự do tiếp cận. Trên thực tế, trong phân cảnh nóng bỏng này, nhiều mảnh của chiếc váy đã bị xé toạc trong quá trình quay phim. Để hoàn thiện vẻ ngoài, nhân vật còn được đeo cả món trang sức xa hoa Chanel Haute Joaillerie và giày cao gót thiết kế riêng Bally.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Ian McEwan mô tả chiếc váy như thể nó là một nhân vật có thật, đồng lõa với cảnh mơn trớn giữa hai người trẻ tuổi.
7. The Great Gatsby
Nhân vật: Daisy Buchanan / Nữ diễn viên: Carey Mulligan
Viết bởi: Francis Scott Fitzgerald (1925) / Đạo diễn: Baz Luhrmann (2013)
Dù không được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng với khán giả yêu điện ảnh thì “The Great Gatsby” là một bộ phim đáng xem, như là một chuyến du hành rực rỡ đưa chúng ta ngược trở lại quá khứ – mà chính tác giả tiểu thuyết F.Scott Fitzgerald đã phải khẳng định – là “thời đại nhạc jazz của một thế hệ mất mát, nơi mà mọi thánh nhân đã chết cả, mọi cuộc chiến đã xong, mọi niềm tin của con người đã tan vỡ”.
Bộ phim lấy bối cảnh New York năm 1922, thời điểm chiến tranh thế giới thứ nhất vừa qua, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi và phát triển cực đại. Lưu giữ trong lòng tình yêu đầy sự ngưỡng mộ với cô tiểu thư đài các Daisy, James Gatz, chàng trai nghèo tay trắng đã dùng nhiều thủ đoạn để có được một gia tài lớn nhằm chinh phục người đẹp sau thời gian dài xa cách.
Sau khi trở nên giàu có, James đổi tên là Jay Gatsby, chuyển tới sống ở Long Island, mảnh đất của giới siêu giàu New York và đây cũng là lúc câu chuyện bắt đầu.
Nhân vật Daisy Buchanan được lấy cảm hứng từ vợ của nhà văn, Zelda. Cô được mô tả là “cô gái vàng”, một cô gái quyến rũ có thể khiến cánh mày râu mê mệt và khiến phụ nữ phải ao ước trở thành. Daisy là hiện thân của phong cách thời trang sôi động những năm 1920. Cô yêu thích những bộ quần áo sang trọng và lạ mắt. C
hiếc váy Carey mặc cho phân cảnh vũ hội được thực hiện bởi Miuccia Prada thực hiện, là đại diện cho sự kết hợp giữa cảm hứng thập niên 1920 và những khuynh hướng hiện đại. Chiếc váy midi không có tay áo, nổi bật trong màn đêm với những chi tiết trang trí lấp lánh. Bộ trang sức đáng kinh ngạc của Tiffany&Co. càng làm cho vẻ ngoài của Daisy thêm rực rỡ.
8. Anna Karenina
Nhân vật: Anna Karenina / Nữ diễn viên: Keira Knightley
Viết bởi: Lev Tolstoj (1877) / Đạo diễn: Joe Wright (2012)
“Anna Karenina” (tiếng Nga: Анна Каренина) là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy, được đăng tải nhiều kỳ trên tờ báo Ruskii Vestnik (tiếng Nga: Русский Вестник, “Người đưa tin”) từ năm 1873 đến năm 1877 trước khi xuất bản thành ấn phẩm hoàn chỉnh. “Anna Karenina” được xem như là một đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực.
Nhân vật chính trong truyện “Anna Karenina” được Tolstoy sáng tác dựa vào Maria Aleksandrovna Hartung, người con gái lớn của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Bốn năm sau khi viết xong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, khoảng ngày 19 tháng 3 năm 1873, Tolstoy bắt đầu viết Anna Karenina.
Cảm hứng sáng tác “Anna Karenina” được vợ nhà văn kể lại như sau: “Tối qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu, nhưng bị sa ngã. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là phải làm sao cho mọi người thấy người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội và khi anh vừa hình dung được ra như thế, thì tất cả những nhân vật, những loại đàn ông mà anh hình dung trước kia đều tìm được vị trí của họ và tập trung quanh người đàn bà ấy”.
Sau khi hoàn thành, cuốn tiểu thuyết này đã đưa nhà văn lên một địa vị mới trên văn đàn văn học Nga và thế giới. Theo một cuộc thăm dò gần đây, dựa trên ý kiến của 125 nhà văn nổi tiếng đương thời, tiểu thuyết “Anna Karenina” là tác phẩm có số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Trong vũ hội đầu tiên của Kitty, Anna thể hiện sự phản đối của mình với xã hội bằng cách mặc một chiếc váy khiêu khích, trái ngược hoàn toàn với bảng màu tối giản của những người tham gia khác. Lựa chọn của cô ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người, bao gồm cả Bá tước Vronsky.
Nhà thiết kế trang phục Jaqueline Durran biết rằng đây là một trong những chiếc váy nổi tiếng nhất trong văn học nên đã tạo ra nó với cảm hứng từ những chiếc váy rộng của thời kỳ đó. Nửa trên của chiếc váy được thiết kế gần giống với những tác phẩm của Balenciaga và Dior của những năm 1950, nhưng được tiết chế sao cho phù hợp với thời trang những năm 1800. Keira đã đeo một chiếc vòng 3 sợi của Chanel để mang lại cảm giác xa hoa cho nhân vật chính.
Xem thêm: Tina Thảo Thi khẳng định đi trên hành trình sự nghiệp một mình, gia đình chỉ là số 0 | Gen Z Sợ Chi: