Bạch tuộc là loài luôn phải chịu cảnh mồ côi từ khi còn rất nhỏ. Đó là bởi sau khi bạch tuộc mẹ đẻ trứng, nó bắt đầu ngừng ăn và tự hủy hoại cơ thể của chính nó một cách đầy bạo lực. Vài tháng sau, bạch tuộc đực cũng chịu chung số phận.
Cuộc đời ngắn ngủi và đầy nghiệt ngã của loài bạch tuộc từ lâu đã đặt ra một dấu hỏi lớn cho các nghiên cứu khoa học. Năm 1944, khoa học lần đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng hình thức giao phối bằng cách nào đó đã chạm vào nút “tự hủy” bên trong các sinh vật này. Tuy nhiên, lập luận nêu trên vẫn còn gây tranh cãi và khiến các nhà khoa học đau đầu.
Đến nay, sau gần 80 năm, giả thuyết mơ hồ ấy cuối cùng đã được làm sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng giao phối dường như thay đổi một số con đường sinh hóa quan trọng dựa trên cholesterol thành các hormone khác nhau ở bạch tuộc.
“Chúng ta biết rằng cholesterol rất quan trọng xét trên góc độ ăn uống, cũng như trong các hệ thống tín hiệu khác nhau của cơ thể”, Z. Yan Wang – nhà sinh học phân tử tại Đại học Chicago giải thích.
“Nó liên quan đến mọi thứ, từ tính linh hoạt của màng tế bào đến khả năng sản xuất hormone, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy nó cũng đóng một phần trong quá trình tạo ra vòng đời ở bạch tuộc.”
Bằng cách nghiên cứu giai đoạn khi một con bạch tuộc sắp “tự sát”, cũng là sau khi giao phối, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ hoạt động cao hơn ở một số gen kiểm soát hormone giới tính, hormone insulin và chuyển hóa cholesterol.
Cả ba phân tử này đã vô tình can thiệp vào hệ thần kinh trung ương của bạch tuộc, dẫn tới những tín hiệu kích hoạt cái chết được báo trước. Hoặc, có lẽ đơn thuần là sự tích tụ của các phân tử này trong cơ thể của bạch tuộc đã khiến chúng bỏ mạng, như trường hợp của con người.
Điều đáng chú ý là dường như cả bạch tuộc đực và bạch tuộc cái đều trải qua một quá trình “phát điên” ngay trước khi chết. Càng lý thú hơn khi các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy cấu trúc gen tương tự ở một số loài động vật gặm nhấm.
Theo Wang, đây là một khám phá rất thú vị khi thấy được sự giống nhau giữa các loài động vật có cơ chế sinh học và môi trường sống hoàn toàn khác nhau như vậy.
Trong tương lai, Wang và các đồng nghiệp của cô hy vọng rằng họ sẽ phân tích kỹ hơn để tìm ra nguyên nhân tại sao bạch tuộc lại tiến hóa để có được một cái chết đầy đau đớn, và diễn ra theo chu trình đã được sắp xếp một cách kỳ lạ này.