Homo floresiensis có đặc điểm là chiều cao thấp khoảng từ 1-1,1 mét, các cá thể của loài này đôi khi được gọi bằng thuật ngữ “người Hobbit”.
Hóa thạch Homo floresiensis có niên đại từ Kỷ Pleistocen, được phát hiện và khai quật bởi một nhóm chuyên gia Úc do nhà khảo cổ học quá cố Mike Morwood dẫn đầu vào năm 2003 trong hang động Liang Bua, trên đảo Flores.
Bằng việc xác định niên đại của xương, kết quả đã cho thấy loài này đã tuyệt chủng ngay sau cuộc chiến tranh chấp tài nguyên với người Homo sapiens.
Dựa trên những lời kể về những sinh vật “giống người” được người dân Lio nhìn thấy trên đảo Flores đã khiến nhà dân tộc học Gregory Forth tin rằng, có thể ngày nay các thành viên loài Hominids vẫn còn tồn tại.
Trong một cuốn sách có tên Between Ape and Human (Tạm dịch: Giữa loài vượn và con người), sắp được xuất bản, Greorgy Forth có viết: “Mục tiêu của tôi khi viết cuốn sách này là tìm ra được lý giải hợp lý nhất về lời kể của người dân Lio với các sinh vật giống người”.
Sinh vật đi vào câu chuyện thần thoại
“Người Hobbit” nhỏ, giống với loài Australopithecines (Chi Vượn người Phương Nam) hay tinh tinh, sở hữu ngoại hình có thể khớp với những lần nhìn thấy của người dân Lio.
Greorgy Forth đã trò chuyện với hơn ba mươi nhân chứng được cho là đã nhìn thấy các cá thể của loài Hominids trước khi kết luận rằng, loài này có thể sống sót trên đảo Flores cho đến ngày nay hoặc ít nhất là cách đây chưa đầy một thế kỷ.
Một cuốn sách trước đó có tên: “Hình ảnh Người hoang dã ở Đông Nam Á: Góc nhìn nhân chủng học”, xuất bản năm 2012, tác giả đã đề cập đến Ebu Gogo, một nhóm sinh vật giống người là một phần của văn hóa dân gian ở đảo Flores.
Ông lập luận rằng, những sinh vật thần thoại này thực sự có thể được truyền cảm hứng từ những cuộc gặp gỡ thực tế giữa con người hiện đại và người Hobbit.
Tác giả cuốn sách chỉ ra, văn hóa dân gian của người Lio bao gồm những con người có khả năng biến đổi thành động vật khác loài “bằng cách chuyển đến môi trường mới và vận dụng cách sống mới”.
Điều này rất giống với minh họa của thuyết Lamarck – một thuyết tiến hóa do nhà tự nhiên học người Pháp, Jean-Baptiste de Lamarck đưa ra năm 1809 cho rằng, sự thay đổi của môi trường sống dẫn đến thay đổi về nhu cầu, thói quen và các cơ quan, ngoại hình cơ thể.
Dựa trên nghiên cứu thực địa của mình, nhà nhân chủng học Forth tin rằng, huyền thoại này có thể gợi ý mối liên hệ giữa con người hiện đại và tổ tiên người Hobbit. Còn đối với người dân Lio, “những con vượn người” này thuộc về vương quốc động vật hơn là loài người.
Câu chuyện bản địa sẽ làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài người
Người dân Lio là một dân tộc mù chữ và không được tiếp cận công nghệ hiện đại, họ phân biệt con người với động vật không theo cách giống như chúng ta xét.
Do đó, đối với người Lio, ngoại hình “vượn người” như một thứ gì đó không hoàn toàn giống con người hiện đại, dẫn đến các cá thể của loài Homo floresiensis trở nên bất thường đối với họ”.
Sự tồn tại của người Hobbit đã khiến các chuyên gia đặt nhiều câu hỏi, đặc biệt là vì loài này xuất hiện tương đối muộn trong hồ sơ địa chất và được cho là đã sống chung với con người hiện đại.
Nhà dân tộc học Forth cho biết chính Mike Morwood đã lập luận về việc đưa người Hobbit vào loài Hominids vì lý do đơn giản là sự tồn tại của chúng tương đối gần đây, dựa trên bằng chứng hóa thạch.
Sau khi xem xét các lời kể của người Lio, Gregory Forth nói rằng ông không tìm thấy lý do chính đáng nào để nghĩ rằng chúng chỉ là tưởng tượng.
“Các nhà cổ sinh vật học và các nhà khoa học về sự sống khác sẽ làm tốt việc kết hợp kiến thức bản địa này vào nghiên cứu sâu hơn về sự tiến hóa của loài Hominid ở Indonesia và các nơi khác,” ông cho biết thêm.