Album ảnh du lịch kèm theo những lời chia sẻ thú vị về miền đất Ladakh (Ấn Độ) chắc chắn sẽ khiến cảm hứng dịch chuyển của bạn tăng lên vùn vụt và muốn xách vali đi ngay hôm nay!
Du lịch Ladakh – ‘Tiểu Tây Tạng’ của Ấn Độ: Đừng đến nếu bạn thích an nhàn!
Từ lâu Ladakh vẫn được mệnh danh là “Tiểu Tây Tạng” của Ấn Độ vì vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp với những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, bao quanh là bạt ngàn những gợn mây che phủ tạo nên một khung cảnh nửa thực nửa mơ. Không những vậy nơi đây còn chiếm trọn trái tim của tất cả những ai từng đặt chân đến bởi bầu trời trong xanh lạ kì và những cơn gió mát rượi, đôi khi se lạnh. Đứng ở bất kì nơi nào trong Ladakh, bạn cũng đều có thể cảm nhận được sự gần gũi và nguyên sơ của thiên nhiên – một cảm giác hiếm có khó tìm trong thời buổi này.
Tuy nhiên đây không phải một địa điểm cứ muốn là đến được hoặc chỉ cần book máy bay rồi có mặt nhẹ nhàng, để đến Ladakh bạn cần nhiều hơn như vậy. Nhiều ở đây không phải là tiền, mà đó là sự kiên nhẫn, quyết tâm, một trái tim đam mê khám phá cùng đôi chân đi không biết mệt.
Mới đây, một bạn trẻ tên Nhị Đặng đã khiến dân tình phải đứng ngồi không yên vì hành trình khám phá Ladakh quá tuyệt vời của mình. Theo như những thông tin ghi tên Facebook thì Nhị Đặng hiện đang làm nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật như videographer, photographer, food video blogger và cả một người du lịch (traveler) nữa.
Album ảnh đẹp ngỡ ngàng mang tên “Lost in Ladakh” kèm những chia sẻ tận tình, cụ thể nhưng đầy thú vị của Nhị Đặng đã thu về hơn 2k lượt like và vô số lượt chia sẻ chỉ sau một ngày. Cùng ngắm nhìn những khoảnh khắc “bồng lai tiên cảnh” và cảm nhận những trải nghiệm đặc biệt của cô gái này nhé!
Những trang phục lính, hàng rào quân sự khắp mọi nơi cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan. Khi chiều xuống, thị trấn Leh từ từ chìm trong bóng núi. Ở Leh, từ nhiều nhất mà người ta thường nói là “Juleh” , một chữ đầy ma thuật với nhiều ý nghĩa: Xin chào, cảm ơn, tạm biệt!
Thay vì để các biển hiệu cảnh báo, họ thường dùng những câu chơi chữ, hay quote ấn tượng như: “Life is short, don’t make it shorter” (Đời đã ngắn đừng làm nó ngắn thêm), “After whisky, driving risky”… (Say xỉn thì phải chạy xe cẩn thận).
Trước mắt tôi là Tso Kiagar, như những dải lụa xếp lớp lạnh lẽo đang nằm chờ cái nắng trải lên những đường dáng để thêm hùng vĩ. Chỉ còn cách Tsomoriri khoảng 30km.
Cả bọn nằm trên giường, trùm túi ngủ kín mít chỉ chừa mỗi cái mũi để thở. Tôi đang cặm cụi chỉnh cái máy ảnh, mở một cánh cửa sổ, đủ để góc máy có thể bắt được 30s, dải ngân hà nhìn thấy rõ trước mắt. Gió lùa vào tái tê, đầu tôi hơi choáng váng mỗi khi xoay người hay cử động lật mạnh. Tôi nhìn hơi thở mình đứt quãng, rồi lại dài thườn thượt, ra khói, rồi bay lên, tưởng như tụ lại thành mây rồi tình cờ vỡ vụn ra thành những đốm nhỏ li ti trên bầu trời cao vút. Một thế giới nào đây?! Tôi cảm thấy mình bé nhỏ, một bình yên đơn giản, một thanh thản đến lạ… cứ muốn nhìn mãi nhìn mãi, nhìn mãi thế giới tinh tú kia từ ô vuông cửa sổ đen ngòm.
Mỗi gia đình ở Ladakh đều gởi một người con trai của họ xuất gia làm Lạt ma và thọ giới. Họ được gửi tới các tu viện khi mới 5, 6 tuổi để giáo dục, đào tạo như các vị sư và dành toàn bộ cuộc sống của mình để nghiên cứu và học tập Phật giáo. Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Trong lịch sử, khu vực này là của người gốc Tây Tạng và có rất nhiều tu viện Phật giáo. Do đó, Ladakh cũng được gọi là “Tiểu Tây Tạng”.
Kargil là 1 mảnh ghép khác của bức tranh Ladakh. Người ở Kargil lai giữa Tây Tạng, Pakistan hay Afghanistan. 90 % dân số Kargil là Hồi giáo Shia, 5% người Sunni và 5% của Phật giáo Tây Tạng. Trong ảnh là một cô bé nữ sinh mua kem trước giờ lên lớp. Tụi học sinh sáng sớm cứ ào ra ăn kem như phong trào í, vui lắm!
Những con Marmot (sóc đất – thường trồi lên vào mùa hè và sống dưới hang suốt mùa đông dài) nhúng nhính, chạy loanh quanh trên những đồng cỏ, nằm phơi mình trên hòn đá to, hay lúc ẩn lúc hiện dưới hang ổ như chọc cười đám khách du lịch đang loay hoay thích thú lướt qua trên xe. Tôi có cảm giác chúng như xưng hùng xưng bá khắp nơi đây vậy, một vương quốc riêng của loài Marmot, tự do không giới hạn. Tự nhiên lại có phần ganh tỵ với chúng!
Tu viện này nằm ẩn mình trong một khoảng rộng của hẻm núi khổng lồ cao tới 3.800m thuộc dãy núi Himalayas. Thiết kế cô lập của Phuktal mang ý nghĩa tinh thần lớn vì đã có nhiều nhà sư ẩn cư và thiền định trong các hang động ở khu vực này. Để đến được Padum, người ta phải bắt taxi từ Padum đến Raru, nơi kết thúc con đường và bắt đầu leo núi từ đó. Sẽ phải mất một hoặc hai ngày đi bộ để đến Phuktal, ngang qua hai ngôi làng nhỏ Chatang và Purne. Tu viện cách Purne khoảng 7km.
Bằng cách nào đó Phuktal vẫn điềm nhiên, lặng lẽ như được xếp từ muôn kiếp đời và được chở che trong một hốc đá to. Đợt chúng tôi đi có khá nhiều đoàn viện trợ và các bác sĩ tình nguyện lên đây khám chữa bệnh và phát đồ ấm, chăn mền… cho mùa đông sắp tới.
Lúc này mấy đứa nhỏ đang háo hức chuẩn bị chạy xuống trạm tình nguyện để vác đồ lên tu viện. Trạm tình nguyện ở ngay hostel bên dưới tu viện, cách khoảng 500m đường leo dốc núi. Tụi nhỏ cứ thế vừa chạy vừa thở hổn hển. Còn đám chúng tôi thì lết từng bước như người vác trăm ký trên vai. Mấy vị lạt ma già khoan thai bước từng bước, bước khoảng chục bước dừng lại thở sâu, nhìn đời, nhìn người, cười cái rồi lại bước tiếp, lâu lâu nhìn qua cười với tụi này hỏi “mệt hông “.
Tôi đã nói nếu bạn thích an nhàn, vui lòng đừng đến Ladakh. Nhưng nếu bạn thích những nụ cười thanh thản, an nhiên, thì sự tồn tại của thế giới này – Ladakh, là một thứ tình yêu nhỏ bé dễ thương trong tôi. Một phiên bản vừa gai góc, khốc liệt, nhưng đầy cám dỗ, vừa hạnh ngộ, bao la, nhưng cũng bình dị đến nao lòng.
Những ngày cuối cùng ở New Delhi, khi tôi đến miền Trung Ấn và chuẩn bị bay về Việt Nam. Tôi gặp anh hải quan soát visa, nhìn anh không phải gốc Ấn, tôi ngờ ngợ anh là người Ladakh, anh chàng hải quan với gương mặt phúc hậu hỏi tôi: “Cô đến Ladakh lần thứ hai rồi à?!. Tôi giật lại ngay: “Anh là người Ladakh à!”, “Vâng, tôi từ Leh” – Tôi thầm hét lên trong bụng” A tôi biết ngay mà!!” Nụ cười Ladakh của anh làm tôi ấm lòng, người Ladakh đi đâu vẫn mãi là người Ladakh, hoặc giả tôi đang quá màu hồng ảo tưởng nhưng Ladakh trong tôi chắc cũng chỉ có thế, dường như trọn vẹn về phía những đường chân trời đã mất! Hẹn gặp lại nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ladakh – “Tiểu Tây Tạng” của Ấn Độ: Đừng đến nếu bạn thích an nhàn! tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.