Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Biology đã chỉ ra những phát hiện mới từ khoảng thời gian Đế chế Mông Cổ thống nhất vào năm 1206 sau Công nguyên.
Giai đoạn này, Thành Cát Tư Hãn, vị thủ lĩnh khét tiếng, đồng thời là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ, đã phát động một loạt các chiến dịch quân sự đẫm máu trên khắp châu Á nhằm đặt nền móng cho đế chế lớn nhất trong lịch sử loài người trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương của châu Á đến tận Đông Âu.
Cho đến nay, phần lớn những tàn tích của đế chế này đã bị vùi lấp trong lớp băng vĩnh cửu. Chúng chỉ mới lộ ra thời gian gần đây, khi hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tan chảy lớp băng giá phía trên.
Trong các năm 2018, 2019, các nhà khoa học tìm thấy 11 bộ xương còn nguyên vẹn tại một hầm mộ cổ. Điều kỳ lạ là chúng vẫn ở trong tình trạng tốt một cách đáng ngạc nhiên, dù có tuổi đời hơn 800 năm.
Xung quanh các thi thể, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều món đồ trang sức, vật liệu cao cấp, xa xỉ… Điều này cho thấy những người được mai táng dường như đều có địa vị cao trong xã hội.
Ở nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã đi sâu vào phân tích các hài cốt để hiểu rõ hơn về lối sống, cũng như chế độ ăn uống của những quý tộc Đế chế Mông Cổ.
Bằng cách xem xét các protein được tìm thấy trong cao răng của những cái xác, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những người này đã uống sữa ngựa, cừu, dê, bò Tây Tạng (hay còn gọi là yak).
Trong đó, bằng chứng về bò Tây Tạng thu hút các nhà khoa học hơn cả, vì loài động vật này vốn dĩ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong văn hóa của người dân ở các vùng miền núi phía đông Á-Âu.
Trước đó, nhiều tài liệu cho thấy bò Tây Tạng cung cấp nguồn thực phẩm giàu calo, lông dày cho vải dệt ấm và chất béo để tạo ra những mặt hàng cần thiết như nến.
Thông qua nghiên cứu mới, các nhà khoa học kỳ vọng rằng họ sẽ khám phá ra những nét mới về tôn giáo lâu đời và cuộc sống hàng ngày của giới thượng lưu đế chế Mông Cổ.
“Nghiên cứu giúp chúng tôi xác minh việc người Mông Cổ cổ đại sử dụng loài động vật mang tính biểu tượng này, cũng như mối quan hệ của nó với những người cai trị”, Alicia Ventresca-Miller – giáo sư nhân chủng học tại Đại học Michigan cho biết.
Tuy nhiên Julia Clark, một nhà khảo cổ học, cảnh báo rằng nếu lớp băng vĩnh cửu tiếp tục xuống cấp, nhiều khả năng những thi thể và tàn tích cổ đại sẽ bị phá hủy trước khi chúng được khoa học khám phá và đánh giá đúng mức.
Cùng với đó là hoạt động trộm cướp tại các ngôi mộ cổ vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
“Lớp băng tan chảy giúp các nhà khoa học dễ tìm thấy những bằng chứng lịch sử, nhưng đồng thời khiến các di tích trở nên dễ bị cướp bóc hơn”, Julia Clark nói.