Thị trấn Costesti nhỏ bé của Romania là nơi tồn tại rất nhiều tảng đá kỳ lạ, độc đáo có một không hai. Những vật thể này đã thu hút sự chú ý của những nhà địa chất học và khách du lịch trong suốt những năm qua.
Dường như không “hài lòng” về hình hài vốn có, những tảng đá nêu trên thay đổi hình dạng bằng cách phồng lên một cách từ từ theo thời gian, tạo cảm giác như chúng có khả năng phát triển và thậm chí cả di chuyển.
Cũng bởi lẽ đó, không ngạc nhiên khi những mẫu địa chất kỳ quặc này còn được gọi là “đá sống”.
Những cuộc tranh luận không có hồi kết
Được gọi là “trovant”, những tảng đá này đã thu hút nhiều cuộc tranh luận xung quanh nguồn gốc và cách thức “hoạt động” của chúng. Một số chuyên gia cho rằng trovant là một khối kết dính bằng đá sa thạch với các lớp cát cứng bên ngoài, hơi giống một viên kẹo chocolate.
Lớp vỏ ngoài này kỳ thực cứng hơn những tảng đá xung quanh, nên đã giúp chúng chống chịu tốt trước xói mòn, và có thể trồi lên khỏi mặt đất. Điều này lý giải tại sao tảng đá được cho là có thể di chuyển.
Khi trời mưa, nước rơi xuống phản ứng với hàm lượng khoáng chất của lớp bề mặt làm phần bên trong của nó rỉ ra bên ngoài, dẫn đến việc ngoại hình tảng đá trở nên to hơn. Điều này lý giải tại sao nó được cho là có thể phát triển.
Quá trình tương tự cũng có thể hình thành các khối tách riêng khỏi tảng đá “mẹ”, giống như bong bóng. Chứng kiến điều này trông như thể tảng đá đang “đẻ” con.
Tất nhiên, quá trình biến đổi địa chất này diễn ra rất, rất chậm. Người ta ước tính rằng những tảng đá ở Romania “lớn lên” ít hơn 5 cm trong 1.200 năm.
Đi tìm câu trả lời
Phân tích kết cấu của những khối đá này, các nhà khoa học không tìm thấy khác biệt nào về mặt khoáng chất giữa phần lõi và lớp cát xung quanh. Theo đó, chất gắn kết trong tảng đá chủ yếu bao gồm hợp chất chứa carbonate.
Florin Stoican, quản lý tại Vườn quốc gia Buila-Vanturarita cho biết những trovant về cơ bản có hình trứng hoặc hình cầu. Chúng nhiều khả năng được hình thành do hoạt động địa chấn kéo dài và dữ dội bất thường của kỷ Miocen.
Theo đó, sóng xung kích phát ra từ Trái Đất đã nén chặt các trầm tích cát và cô đặc xi măng đá vôi để tạo thành các cục đá có hình cầu. “Những khoáng chất này hoạt động như xi măng và kết dính các hạt trầm tích khác nhau”, Stoican giải thích.
Chúng tồn tại từ khoảng 7 triệu năm trước, tại một vùng châu thổ nơi có mỏ đá trù phú. Tại đây có chứa lớp trầm tích gồm đá sa thạch và đá bột kết, được tích lũy và vận chuyển từ khắp lục địa bằng một dòng sông thời tiền sử.
Trải qua suốt hàng thiên niên kỷ, nhiều chất khoáng khác nhau đã trôi dạt tới và hòa tan thành một dạng dung dịch đặc biệt. Dung dịch này bao phủ lấy những viên sỏi và cát bên dưới, tạo thành dạng địa chất trovant vô cùng độc đáo mà chúng ta được quan sát ngày nay.