Đến nay, khái niệm “thiên tài” – dùng để chỉ những người có năng khiếu, năng lực bẩm sinh hoặc có thành tựu vượt xa hơn bất ai khác trong cùng một lĩnh vực, vẫn là một bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải.
Sự thôi thúc ấy giống như một “bóng ma”, luôn đeo đuổi các nhà nghiên cứu, bất chấp họ đã dày công tìm hiểu để làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất mọi thời đại.
Thế nhưng cũng chính bởi lý do ấy, lịch sử đã chứng kiến một trong những bi kịch nổi tiếng bậc nhất khiến người ta “rùng mình” vì sợ hãi, chính là “vụ đánh cắp thế kỷ” với mục tiêu là bộ não của thiên tài Albert Einstein sau khi ông qua đời.
Thiên tài Einstein và bi kịch đánh cắp bộ não
Albert Einstein (14/3/1879 – 18/4/1955) nổi tiếng với thành tựu phát triển thuyết tương đối rộng, thuyết tương đối hẹp cùng giải Nobel Vật lý năm 1921 về hiệu ứng quang điện. Ông cũng được xem là nhà vật lý có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Vì là thiên tài nổi tiếng thế giới, không khó hiểu khi bộ não của Albert Einstein đã trở thành vật được nhiều người thèm muốn, dù là trước hay sau khi ông qua đời.
Thế nhưng trước khi bất kỳ ai có cơ hội để thực hiện ý đồ này, thì một bác sỹ khám nghiệm tử thi đã nhanh tay tách riêng bộ não của Albert Einstein ra khỏi cơ thể, rồi mang về nhà mình mà không có sự cho phép của gia đình ông.
Điều đáng nói là bản thân Einstein cũng không hề mong muốn rằng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của mình được đem ra nghiên cứu sau khi ông chết đi.
Trong một cuốn sách xuất bản năm 2005, nhà nghiên cứu Brian Burrell tiết lộ rằng Einstein thậm chí còn để lại cả một văn bản hướng dẫn về cách sử dụng thi hài của mình. Theo đó, ông mong muốn toàn bộ sẽ được hỏa táng, và rải tro xuống địa điểm bí mật để ngăn cản việc bị thu giữ bởi những kẻ sùng bái.
Nếu như có thể cảm thấy sau khi chết, Einstein hẳn sẽ rất đau lòng khi thấy bộ não thiên tài của mình bị tách ra khỏi cơ thể một cách không thương tiếc.
“Kẻ thủ ác” Thomas Harvey và động cơ phía sau hành động điên rồ
Tiến sĩ Thomas Stoltz Harvey (10/10/1912 – 5/4/2007) là một nhà nghiên cứu bệnh học, người từng đảm nhiệm việc giải phẫu tử thi của nhà bác học lừng danh thế giới Albert Einstein vào năm 1955, khi nhà vật lý người Đức qua đời do vỡ động mạch chủ, dẫn tới chảy máu trong.
Ca giải phẫu bí mật này đã được Harvey tiến hành tại Bệnh viện Princeton, Princeton NJ, vào lúc 8 giờ sáng ngày 18/4/1955. Tại đây, ông chia bộ não của Einstein thành 240 phần, chứa trong 2 lọ thủy tinh với dung dịch celloidin (một dạng cellulose nhưng ở thể cứng hơn) và cất chúng dưới tầng hầm, tại nhà riêng của mình.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, Harvey cầu xin Hans Albert – con trai của Einstein rằng mọi hành động của y chỉ vì lợi ích của khoa học.
Điều bất ngờ là cuối cùng, Hans Albert đã đồng ý để não của cha mình có thể được nghiên cứu, nhưng chỉ với điều kiện là những nghiên cứu đó phải được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín.
Sự việc khiến Thomas Harvey lập tức bị mất việc tại bệnh viện Princeton, nhưng gã nghiên cứu này chẳng hề để tâm vì cuối cùng ông đã đạt được mục đích. Bộ não của Einstein sau đó được chuyển cho nhiều nhà nghiên cứu khác để phân tích, với mục tiêu so sánh và tìm ra những điểm khác so với bộ não thông thường.
Một số tài liệu cho rằng Harvey không chỉ đánh cắp bộ não của Albert Einstein, mà còn lấy đi cả đôi mắt và sau đó ông ta đưa lại cho bác sĩ nhãn khoa của Einstein. Hành động đầy ghê tởm của Harvey khiến ngay cả vợ ông cũng không thể chấp nhận, dẫn tới cuộc hôn nhân đổ vỡ như một hệ lụy tất yếu.
Dẫu không thể phủ nhận hành động phi nhân tính và đầy cơ hội của mình, song Thomas Harvey vẫn được khoa học ghi nhận là một trong những nhà bệnh học kỳ cựu nhất thời điểm bấy giờ.
Quy trình chia tách bộ não của Einstein được ông thực hiện và bảo quản ở mức độ hoàn hảo sau khi nhà thiên tài vật lý qua đời, giúp nó trở thành đề tài nghiên cứu hữu ích cho giới khoa học.
Bí mật đằng sau việc bảo quản bộ não của Einstein, được Harvey chia sẻ trong một tài liệu của mình. Theo đó, ông đã tiêm vào trong não 10% formalin xuyên qua động mạch cảnh ở bên trong. Ngoài ra, ông cũng bảo quản những mảnh của bộ não trong dung dịch celloidin như đã đề cập.
Trước khi qua đời vào năm 2007, Thomas Harvey cuối cùng đã làm một điều đáng tôn trọng, khi ông hiến tặng toàn bộ phần não còn lại của Einstein cho Bảo tàng Y tế và Sức khỏe Quốc gia Hoa Kì.
Bí ẩn bộ não của thiên tài Albert Einstein
Được công bố trên tạp chí Experimental Neurology vào năm 1985, nghiên cứu đầu tiên về bộ não bị đánh cắp của Albert Einstein đã tiết lộ rằng nó thực sự có vẻ ngoài khác biệt so với bộ não bình thường.
Theo báo cáo, thiên tài này có số lượng tế bào thần kinh đệm trên mức trung bình, đặc biệt phần não bên trái của Einstein có số tế bào thần kinh đệm nhiều hơn 73% so với não bình thường. Tế bào thần kinh đệm cố định noron thần kinh, giúp cung cấp nhiều oxy và dinh dưỡng hơn.
Nghiên cứu thứ 2 của Đại học Alabama tại Birmingham vào năm 1996 khẳng định rằng những tế bào thần kinh trong não của Einstein được liên kết với nhau chặt chẽ hơn bình thường và do đó nó có thể xử lý thông tin nhanh hơn và mạnh hơn bình thường.
Năm 1999, phân tích chuyên sâu của các nhà khoa học tại trường Đại học McMaster ở Ontario (Canada) khám phá ra rằng phần đỉnh bên trong nếp cuộn não ở trán thuộc thùy trán của bộ não Einstein đã bị khuyết.
Họ cho rằng chính vùng não bị khuyết này là nguồn gốc kích thích cho các nơ-ron thần kinh giúp cho việc giao tiếp của Einstein trở nên lưu loát hơn. Trước đó, vùng khe não (còn gọi là vết nứt sylvian hay khe nứt) cũng được xem như là một trong những cấu trúc hoàn hảo nhất của bộ não người.
Tiếp đến, trong một nghiên cứu được công năm 2012, các nhà khoa học tuyên bố rằng não của Einstein có thêm một rãnh ở thùy giữa trán, một khu vực liên quan đến việc lập kế hoạch và trí nhớ. Hầu hết mọi người chỉ có 3 vạch, nhưng Einstein lại có đến 4.
Những nghiên cứu này cho thấy quả thực bộ não của thiên tài Einstein có sự khác biệt đáng kể so với não người. Và điều này có thể lý giải một phần cho những thành tựu phi thường mà ông đạt được trong suốt cuộc đời mình.