Mới đây, các nhà khoa học ở Đại học Cape Town (Nam Phi) đã phát hiện ra một giống loài mới, được xem là tổ tiên của hươu cao cổ hiện đại, nhưng có ngoại hình tương đối khác biệt.
Trong báo cáo được công bố ngày 2/6 trên tạp chí Science, loài động vật được gọi là “Discokeryx xiezhi” sống cách đây 16,9 triệu năm, thường lang thang ở khu vực mà ngày nay là miền bắc Trung Quốc. Chúng sở hữu chiếc cổ dày, ngắn, có thân hình vạm vỡ và hộp sọ rất dày.
Dựa trên kích thước của các hóa thạch, nhóm nghiên cứu cho rằng “Discokeryx xiezhi” chỉ cao bằng khoảng một con cừu trưởng thành, và có chiếc cổ tương đương như các loài động vật có vú trên cạn có kích thước tương đương khác.
Các nhà khoa học cho rằng những đặc điểm này của loài rất lý tưởng để chúng giao tranh với nhau bằng cách húc trực diện bằng đầu trong các trận chiến tranh giành ngôi vị đầu đàn, hoặc quyền giao phối với con cái.
Robert Simmons, một đại diện của nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự cạnh tranh khốc liệt này đã thúc đẩy loài hươu cao cổ hiện đại tiến hóa với chiếc cổ dài và xương hộp sọ nhỏ hơn, nhằm hạn chế những cuộc chiến tay đôi có thể khiến chúng bỏ mạng.
Điều này phù hợp với một giả thuyết cổ xưa, từng cho rằng vào một thời điểm nào đó trong lịch sử tiến hóa, những con hươu cao cổ đực với chiếc cổ dài đã chiếm ưu thế trong các cuộc chiến giành con cái. Bởi vậy theo thời gian, sự chọn lọc giống loài đã thúc đẩy những cá thể còn sót lại tiến hóa với chiếc cổ dài hơn và tập tính của chúng cũng dần thay đổi.
Tuy nhiên, Charles Darwin lại cho rằng hươu cao cổ đã tiến hóa với chiếc cổ dài là do sự cạnh tranh về nguồn thức ăn. Ông khẳng định rằng loài động vật này đã nhận ra được lợi thế về chiều cao sẽ giúp mình tiêu thụ những tán lá nằm ngoài tầm với của các loài động vật khác. Từ đó, hươu cao cổ ngày càng tiến hóa để có 4 chân và chiếc cổ dài hơn.
Thậm chí cho đến ngày nay, sự tích về “cái cổ dài” của hươu cao cổ vẫn là dấu hỏi không có hồi kết, và khiến các nhà khoa học đau đầu đi tìm câu trả lời.