Theo một tuyên bố từ Đại học Brown, những mảnh thủy tinh silicon, một số màu xanh đậm và một số màu đen, được tìm thấy trên hành lang dài 75 km ở sa mạc Atacama. Những mảnh thủy tinh riêng lẻ được “xoắn và gấp lại” và có thể dài tới 50 cm.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên khám phá ra những mảnh thủy tinh này đã giả thuyết rằng chúng đến từ những quả cầu lửa phát nổ trong khí quyển. Thế nhưng, một nhóm khác sau đó kết luận rằng những mảnh thủy tinh là kết quả của những đám cháy cỏ dữ dội. Vào thời điểm đó, khu vực này không phải là sa mạc, nó có đất cát, nhưng cũng có cây và cỏ.
Để tìm ra nguyên nhân, các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Chile đã tiến hành phân tích hóa học hàng chục mẫu thủy tinh được tìm thấy trong sa mạc này. Bên trong thủy tinh, các nhà nghiên cứu tìm thấy các khoáng chất được gọi là zircons, một số trong số đó đã bị phân hủy thành baddeleyite, một khoáng chất oxit zirconium hiếm. Theo tuyên bố, quá trình chuyển đổi từ zircon sang baddeleyite thường xảy ra ở nhiệt độ cao hơn 3.040 độ F (1.670 độ C), nóng hơn nhiều so với nhiệt độ mà đám cháy có thể đạt được.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra các khoáng chất trong thủy tinh mà trước đây chỉ được tìm thấy trong thiên thạch và các loại đá khác có nguồn gốc trong không gian. Một số khoáng chất, chẳng hạn như cubanite và troilite, tương tự như các khoáng chất được phát hiện trong các mẫu từ sao chổi có tên Wild 2 do sứ mệnh Stardust của NASA thu thập được.
Hơn nữa, những hình dạng kỳ quặc, xoắn của thủy tinh cũng chỉ ra sức nóng và gió dữ dội sẽ được tạo ra bởi một vụ nổ sao chổi. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những mảnh thủy tinh này có khả năng là kết quả của một vụ nổ sao chổi tương tự như Wild 2.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, vụ nổ xảy ra cách đây khoảng 12.000 năm. Họ cũng đang thực hiện các nghiên cứu sâu hơn với hi vọng xác định chính xác về thời gian vụ nổ và kích thước của sao chổi.