Một kim tự tháp khổng lồ vừa được tìm thấy bên dưới lòng đất, tại một sườn đồi trên đảo Tây Java, Indonesia. Nó được đặt tên là Gunung Padang.
Theo các nhà khảo cổ, Gunung Padang có thể vượt xa những công trình cự thạch lâu đời nổi tiếng như Stonehenge, hay kim tự tháp Giza, để trở thành thứ lâu đời nhất từng được xây dựng bởi bàn tay con người.
Người dân địa phương gọi loại công trình này là “punden berundak”, nghĩa là kim tự tháp bậc thang. Sở dĩ có tên gọi này là bởi nó có các bậc thang nối tiếp nhau, dẫn từ chân lên đỉnh.
Bằng cách sử dụng carbon phóng xạ tại địa điểm khảo cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng Gunung Padang được xây dựng bởi một nền văn minh cổ đại. Việc xây kim tự tháp này có thể đã bắt đầu từ thời kỳ băng hà cuối cùng, diễn ra hơn 16.000 năm trước.
Thậm chí, phần lõi của cấu trúc này còn có thể được xây dựng từ 25.000 đến 14.000 năm trước Công nguyên, và sau đó đã bị bỏ hoang trong vài thiên niên kỷ.
Kể từ đó đến nay, kim tự tháp đã trải qua nhiều lần được chỉnh sửa cấu trúc, với lần cuối cùng diễn ra khoảng từ năm 2.000 đến 1.100 năm trước Công nguyên.
Tại đó, các kiến trúc sư đã bổ sung thêm lớp đất bề mặt, cũng như các bậc thang bằng đá đặc trưng của kiến trúc punden berundak. Đây cũng là phần được nhìn thấy nhiều nhất ngày nay.
Để so sánh, có thể kể đến Göbekli Tepe, một quần thể đá khổng lồ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây vốn dĩ được coi là công trình cự thạch lâu đời nhất thế giới, có niên đại từ 11.000 năm trước.
Bên trong kim tự tháp, các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu tích của những hốc sâu và căn phòng bí mật được ẩn giấu dựa trên sóng địa chấn. Một số trong đó có thể rộng tới 15 mét và cao 10 mét.
Hiện vẫn chưa rõ mục đích sau cùng của những người tiền sử đã xây dựng nên kim tự tháp Gunung Padang.
Tuy nhiên, với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, các nhà nghiên cứu cho rằng họ sẽ sớm có được bản vẽ chi tiết về toàn bộ cấu trúc của kim tự tháp, cũng như khám phá các thành phần được che giấu bên trong cấu trúc này.