Itacolumit là một loại sa thạch xốp, thường được sử dụng làm đá xây dựng như làm sàn hoặc tường vì đặc tính bền vững và rất cứng của nó.
Tuy nhiên, khi được cắt thành những dải mỏng chỉ vài cm, loại đá này thể hiện tính linh hoạt cực cao, và đã khiến các nhà địa chất học mê mẩn trong suốt nhiều thập kỷ.
Bằng những thí nghiệm thực tế, nếu lấy một dải đá Itacolumite dài từ 30 đến 60cm, sau đó đặt nó lên giá đỡ ở 2 đầu, hoặc đơn giản là cầm bằng 2 tay, chúng ta sẽ thấy nó sẽ dần bị uốn cong bởi sức nặng của chính nó.
Tuy nhiên khi lật lại dải đá bị cong, hoặc đặt chúng theo phương thẳng đứng, nó sẽ uốn thẳng trở lại dưới tác dụng của trọng lực.
Đặc tính “uốn dẻo” này có lẽ sẽ khiến bạn kinh ngạc, vì đây không phải là thứ mà chúng ta thường thấy đối với các loại đá trong tự nhiên. Tuy nhiên đây không phải là trò bịp, mà hoàn toàn là khoa học.
Trên thực tế, tính linh hoạt của Itacolumite từ lâu đã là chủ đề của các cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà địa chất được yêu thích trong nhiều thế kỷ.
Tới nay, các nhà khoa học tin rằng trên mặt đá Itacolumite có một số vảy mica mỏng. Đây được cho là nguyên nhân cấu thành nên sự linh hoạt của đá, khi cho phép một lượng vật chất chuyển động qua lại giữa các hạt cát liền kề.
Trong đó, mức độ “dẻo” của đá phụ thuộc vào đặc tính xốp của chúng, với chức năng tạo ra điểm tiếp giáp đan xen giữa các hạt cát.
Nói một cách đơn giản hơn, độ xốp của đá cho phép vật chất chuyển động giữa các khe, kẽ. Trong khi đó, vẫn có các khớp nối giống như bản lề, nơi các khối được liên kết với nhau bất chấp sự dịch chuyển.
Điều này khiến đá Itacolumite rất dễ để uốn cong khi cầm trên tay, nhưng lại gần như không thể bẻ gãy vì chúng rất cứng.
Loại vật liệu này được đặt theo tên nơi ban đầu nó được phát hiện, đó là làng Pico do Itacolomi ở Minas Gerais, Brazil. Sau này, Itacolumite dần được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Georgia và Bắc Carolina ở Mỹ, hay làng Kaliana ở Ấn Độ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi được ghi nhận, các nhà khoa học cho biết chúng mất dần tính linh hoạt sau khi được làm khô một thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do sự cứng lại của một số chất nằm ở vùng kẽ.
Tuy nhiên, có nhiều mẫu vật vẫn giữ được đặc tính này ở mức độ cao dù tồn tại trong môi trường khô ráo suốt nhiều năm.