Các nhà khảo cổ học ở Ai Cập vừa phát hiện ra một cuộn giấy cói dài 16 mét chính là các phần của cuốn Tử thư. Văn bản hơn 2000 năm tuổi này được tìm thấy trong một quan tài ở hầm mộ của kim tự tháp Djoser ở thành phố Saqqara.
Cuốn sách của Người chết chứa đựng rất nhiều lời văn và việc phân tích văn bản này sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về các tục lệ tang lễ của người Ai Cập cổ đại. Công tác bảo quản cuốn sách đã được hoàn tất và cuốn sách giấy cói này đang được dịch sang tiếng Ả Rập.
Ông Mostafa Waziry – Tổng thư ký Hội đồng tối cao Di tích cổ của Ai Cập – cho biết đây là lần đầu tiên toàn bộ cuốn sách được tìm thấy ở Saqqara trong hơn 100 năm qua.
Kim tự tháp Djoser được xây vào thời Pha-ra-ông Djoser (trị vì trong khoảng từ năm 2630 đến 2611 trước Công nguyên) và là kim tự tháp đầu tiên mà người Ai Cập xây dựng. Khu vực xung quanh kim tự tháp bậc thang này được sử dụng làm nghĩa địa trong nhiều thiên niên kỷ. Trên thực tế, cỗ quan tài chứa đựng cuộn giấy cói vừa được tìm thấy có từ Thời kỳ Hậu nguyên của Ai Cập cổ đại (khoảng từ năm 712 đến 332 trước Công nguyên). Thông tin về chủ nhân và ngày tháng chính xác của cuốn sách sẽ sớm được công bố.
Cuốn sách của Người chết là tên gọi mới ngày nay của một loạt các đoạn văn bản mà người Ai Cập tin rằng có nhiều nội dung, trong đó có hướng dẫn để người chết sống được ở thế giới bên kia. Cuốn sách được sử dụng rộng rãi trong Thời kỳ Tân Vương quốc (khoảng từ năm 1550 đến 1070 trước Công nguyên).
Chuyên gia Ai Cập học của Mỹ, Tiến sỹ Scalf ở Trường đại học Chicago cho biết có nhiều bản thảo khác của cuốn Tử thư Ai Cập cổ đại và chúng có chiều dài khác nhau, có cuốn dài đến 30 mét. Cuốn sách vừa được phát hiện được cho là cuốn sách giấy cói thứ hai được tìm thấy ở Saqqara. Trong năm 2022, một đoạn giấy cói dài 4 mét cũng có các nội dung của Tử thư được tìm thấy ở thành phố này trong một quan tài gần kim tự tháp của pha-ra-ông Teti (trị vì vào khoảng năm 2323 đến 2291 trước Công nguyên). Cuộn giấy này có ghi tên chủ nhân, một người đàn ông tên là Pwkhaef.
Mặc dù được chôn gần kim tự tháp Teti nhưng Pwkhaef sống sau Teti nhiều thế kỷ. Quan tài của người đàn ông này có niên đại vào khoảng đời thứ 18 hoặc 19 của Ai Cập cổ đại (khoảng từ năm 1550 đến 1186 trước Công nguyên). Chôn cất gần kim tự tháp của các vị vua đời trước là một tập tục phổ biến ở Ai Cập thời đó.
Phát hiện về cuốn Tử thư này là của một nhóm các nhà khảo cổ học Ai Cập ở Bộ Du lịch và Di tích cổ. Hiện cơ quan này vẫn chưa công bố bất kỳ hình ảnh nào của cuốn sách, nhưng cho biết sẽ sớm đưa văn bản này ra trưng bày tại bảo tàng Ai Cập.