Phượt Đà Lạt chỉ với 658.000 đồng, bạn có tin không? Nếu không tin thì mời các bạn cùng iVIVU.com theo chân Lan Anh, một cô bạn 9X đã phượt Đà Lạt trong 3 ngày 2 đêm chỉ với số tiền trên nhé.
Lịch trình phượt Đà Lạt 3 ngày 2 đêm chỉ 658.000 đồng của cô bạn 9X
Ngày 1: Xuất phát từ TP. HCM – Đà Lạt
5h30 mình xuất phát từ TP. HCM, thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Đà Lạt trung bình khoảng 6 – 8h. Bạn không cần phải chạy nhanh, cứ từ từ vừa đi vừa nghỉ ngơi, chụp hình, ngắm cảnh uống cà phê. Trên đường đi, mình có ghé một quán cà phê ở Di Linh và được trải nghiệm cảm giác vừa thưởng thức cà phê, vừa xem bác chủ quán phơi – rang – xay hạt cà phê ngay tại chỗ, vô cùng tuyệt vời.
Khách sạn: Mình đặt phòng Dorm tại Đà Lạt Note Hostel, tọa lạc tại địa chỉ 3r/2 Thông Thiên Học, phường 2, thành phố Đà Lạt với giá 80.000 đồng/ngày/người. Note Hostel được thiết kế khá dễ thương và có rất nhiều góc đẹp để bạn chụp ảnh làm kỉ niệm.
Nhận phòng khách sạn xong, mình xách xe đi lượn lòng vòng Đà Lạt. Đầu tiên là ghé chợ Đà Lạt thưởng thức sữa đậu nành và bánh ngọt (1 sữa + 1 bánh = 12.000 đồng). Dạo một vòng chợ bạn có thể mua trái cây, áo ấm ở chợ Âm Phủ phía sau.
Sau khi ăn xong, mình tranh thủ ra quảng trường Lâm Viên ngay cạnh Hồ Xuân Hương để chụp hình .
Kết thúc ngày thứ nhất mình tranh thủ ghé nhà sách mua bản đồ Đà Lạt và thưởng thức cà phê nóng.
Chi phí cho ngày 1 tổng cộng là 257.000 đồng bao gồm: khách sạn 70.000 đồng (do mình được giảm giá) + tiền xăng 60.000 đồng + tiền ăn 117.000 đồng.
Ngày 2: Khám phá Đà Lạt
Đã đến Đà Lạt thì bạn đừng ngủ nướng mà hãy tranh thủ chạy vòng vòng tận hưởng cái không khí mát lạnh của nơi này. Buổi sáng mình trả phòng và tiếp tục đi khám phá vùng đất xinh đẹp này.
Ăn sáng xong mình ghé Nhà thờ Con Gà (hay Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt) để chụp hình. Tọa lạc ở số 15 đường Trần Phú, nhà thờ Con Gà là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt. Phần áp mái được trang trí 70 tấm kính màu càng tô đậm thêm dấu ấn kiến trúc châu Âu thời Trung Cổ của nơi này.
Ngoài tham quan những vườn dâu ở Đà Lạt, bạn nên tham quan thêm những khu vườn như vườn dưa hấu Pepino – Đa Thiện, Phường 8, TP. Đà Lạt hay vườn cà chua đen.
Khoảng 2h30 chiều mình bắt đầu hành trình về với núi rừng và điểm đến sẽ là Ma rừng lữ quán, đây là một trong những địa điểm thu hút khá nhiều dân phượt khi đến Đà Lạt.
Tuy nhiên, do mình không đặt phòng trước nên ban đầu cô chủ không cho ở nhưng vì trời cũng khá tối nên cô chủ thông cảm và cho mình ở lại 1 đêm giá 100.000 đồng/ phòng tập thể. Buổi tối mình vừa thưởng thức cà phê, vừa nghe suối chảy róc rách và nghe tiếng ếch kêu râm ran, cảm giác “phiêu” không thể tưởng.
Tổng chi phí cho ngày 2 là 277.000 đồng.
Ngày 3: Chặng về Đà Lạt – QL20 – QL55 – QL1A – Xa lộ Hà Nội
QL20 khúc Di Linh đang làm đường không tệ lắm, đi khá tốt và ngang qua thành phố Bảo Lộc nghe mùi trà thơm nức luôn, QL55 đang làm khúc ranh giới Lâm Đồng – Bình Thuận khoảng 2km, QL 55 là cung đường dành cho các bạn mê đường đẹp, yêu tốc độ như mình.
Tổng chi phí cho hành trình phượt bụi Đà Lạt bằng xe máy 3 ngày 2 đêm là 658.000 đồng, rất rẻ đúng không ? Với giá này, ngay cả các bạn sinh viên chưa đi làm cũng có thể lên lịch chuyến phượt thả ga, chơi bao đã vào những ngày cuối tuần.
Một số điều cần lưu ý khi phượt Đà Lạt:
– Mang theo nón fullface, giáp bảo hộ, nếu có điều kiện thì sắm luôn camera hành trình.
– Đem theo đầy đủ áo khoác, giày thể thao, dép kẹp, thuốc cảm, đồ ăn vặt như sữa, xúc xích, nước tăng lực,…
– Mua dâu ở Đà Lạt không nên mua ở chợ mà nên mua ở đường Nguyễn Công Trứ, cả một con đường dâu tây tha hồ lựa chọn.
– Cần có bản đồ du lịch để dễ xác định hướng, đường đi (phòng điện thoại hết pin, 3G yếu).
Một vài kinh nghiệm phượt Đà Lạt môt mình dành cho các bạn tham khảo
1. Chuẩn bị
Giấy tờ
Chụp lại giấy tờ tùy thân gửi vào mail, viết thông tin cá nhân, số điện thoại người thân bỏ vào ví – ba lô, đặt số điện người thân làm nền điện thoại. Trong trường hợp khẩn cấp nếu bị rơi đồ người nhặt có thể dễ dàng liên lạc trả lại cho bạn, gọi cho gia đình khi điện thoại bị khóa.
Cách bảo vệ giấy tờ quan trọng, tiền: Mua túi bao tử (túi đeo ở bụng), giấy tờ cho vào bọc nilon nhét vào túi với tiền mệnh giá lớn (chỉ để 100, 200.000 đồng trong ví, 50.000 đồng trong túi quần). Nhớ đeo cái túi này 24/24 ngủ cũng đeo, tắm cũng… treo cạnh (đeo trong người phủ áo khoác ngoài).
Trang phục
– 1 áo khoác, 1 áo dài, 2 áo thun, 2 quần lửng, 2 quần jeans dài, 2 tất chân…
– Khăn rằn, khăn mặt, khăn đa năng, khăn choàng lớn, găng tay, găng tay chống nắng, đai quấn chân, áo phản quang, túi bao tử.
– 1 đôi giầy thể thao, 1 dép kẹp (càng nhỏ, nhẹ càng tốt).
– Giáp bảo hộ, nón ¾, fullface, phản quang: không bắt buộc nhưng chúng ta đi để trở về nên cần đặt an toàn cho bản thân lên trên hết. Đừng đội nón để đối phó vì nhiều người đã trả giá cho chuyện này rồi.
Đồ dùng cá nhân
– Bàn chải, kem đánh răng, sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội dạng gói, dao nhỏ, bật lửa, khăn giấy, tăm bông.
– 2 balo: 1 để quần áo, đồ ăn và 1 để vật dụng thiết yếu, 5 túi nilon (để đồ dơ, rác…).
– Thuốc sốt, cảm cúm, gạc, băng dán cá nhân, dầu gió.
– Áo mưa.
Đồ ăn
– Sữa, xúc xích, redbull, mì gói… Ưu tiên sữa đậu nành vì không gây lạnh bụng như các loại sữa tươi.
– Nước: 1 chai nước suối, 1 chai nước đá – redbull/ trà cốt.
Xe
– Bảo dưỡng trước khi đi.
– Bộ đồ sửa xe.
– Đổ đầy xăng, dán vài miếng decal phản quang, 1 chai coca xăng treo lủng lẳng.
2. Kỹ thuật lái xe
Trên đường có muôn vàn tình huống xảy ra. Tuy nhiên, bạn cần nắm vững các kỹ thuật sau để xử lý.
+ Tốc độ: Ở bất cứ tốc độ nào, hãy giữ nguyên tắc 3 giây với xe đi trước. Nếu họ đột ngột đứng lại, bạn phải có đủ 3 giây để thắng đứng xe. Nếu bạn chỉ chừa cho mình 2 hoặc 1 giây thì hậu quả rất dễ nhận biết.
+ Thu hút chú ý: Cho dù ngày hay đêm, bạn vẫn cần phải nổi bật nhất trên đường chạy vì đó là lợi thế. Mở đèn và mặc áo phản quang luôn được khuyến khích. Mở đèn ban ngày không bị phạt tại Việt Nam nhé.
+ Vào cua: Tuyệt đối không nhìn gần phía mũi xe. Hãy nhìn ra xa và hướng mắt vào đường cua để tránh bị chóng mặt. Bản năng sẽ cho bạn biết cách hạ tốc độ và cắt cua tại góc nào để tăng tốc đi tiếp.
+ Đường cát, sình lầy: Cứ để mặc xe trôi theo quán tính. Nếu qua sa mạc cát , hãy xì bớt hơi bánh xe còn 1/3, bạn dễ dàng vượt qua mà không bị lún.
+ Lên đèo, xuống đèo: Giữ nguyên tắc lên số nào xuống số đó. Xe số hoặc xe ga đều có cơ chế hãm tốc độ bằng động cơ khi giảm ga. Nếu bạn cố ý tắt máy để đổ đèo, bạn sẽ có nguy cơ không bao giờ được bật công tắc lần thứ hai.
+ Xe lớn đi sau lưng và bóp kèn inh ỏi: nhất là ở các đoạn đường hẹp, không chia làn, bạn cứ mặc kệ và mở xin nhan bên phải để cho tài xế biết mình đã hiểu tín hiệu rồi từ từ chuyển sang làn phải nếu an toàn, dứt khoát không nhường đường nếu thấy nguy hiểm cho chính mình. Nếu mép lề đường nhựa cao hơn đường đất, cần xuống đường đất thật dứt khoát.
3. Kỹ thuật tránh né
+ Mưa: Khi bạn thấy có người mặc áo mưa đi ngược chiều hoặc kiếng xe ô tô ngược chiều bị ướt thì nên mặc áo mưa ngay.
+ Đinh tặc: Tìm một chiếc xe tải và giữ khoảng cách an toàn với nó, sau đó đi vào làn của vệt bánh bên phải. Bánh đó sẽ cán bẹp các loại đinh, dọn đường cho bạn đi. Đi sau tải còn có thể tránh được các xe đột ngột lủi ra từ ngã ba, tránh bọn cướp chơi chiêu giăng dây ngang đường để cướp (khăn rằn quấn cổ cũng phá được chiêu này).
+ Bắn tốc độ: Đa phần xe hai bánh chỉ bị bắn tốc độ ở phạm vi thị trấn. Cố gắng chỉ giữ tốc độ 50km/h khi nhìn thấy cái bảng màu xanh có hình nhà lầu, và cái vòng tròn đỏ có số 50. Tăng tốc trở lại sau khi bảng nhà lầu hoặc có số 50 bị gạch chéo. Giữ vững nguyên tắc này, bạn có thể lái xuyên Việt bằng xe hai bánh mà không bị bắn tốc độ, ngoại trừ ở Đồng Nai.
+ Đèn pha ngược chiều: Nếu nhìn thẳng vô đèn pha của xe ngược chiều, bạn sẽ bị mù tạm thời trong ít nhất 2 giây. Vậy khi gặp tình huống đó, bạn cần nhìn về bên phải để lấy lằn sơn trắng hoặc bụi cây, cọc tiêu,… làm định vị để giữ nguyên vị trí của mình rồi nhẹ nhàng lướt qua tình huống này.
+ Sương mù: Đèn pha càng lớn càng không thấy đường. Hãy lấy sình trét lên 1/3 kiếng xe phía trên, bạn sẽ dễ chịu hơn chút.
+ Chạy nhóm từ 02 người trở lên: đi hàng một và so le nhau. Người tay lái yếu chạy trước về phía phải, người lái vững chạy sau bên trái để che đường. Hãy mở đèn lên cho dù là ban ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả an toàn rất lớn.
4. Cách xác định đường đi
Google map, nhìn cột mốc, biển báo chỉ đường, địa chỉ trên biển quảng cáo nhà ven đường, biển xe, xe khách (Phương Trang, Thành Bưởi), bản đồ hay có thể hỏi người dân địa phương.
Theo Lan Anh
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Lịch trình phượt Đà Lạt 3 ngày 2 đêm chỉ 658.000 đồng của cô bạn 9X tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.