“The Phantom Queen” là tác phẩm chiến thắng tại cuộc thi khoa học thường niên “Best Illusion of the Year 2021”, với sự tham gia của những nhà thần kinh học tài năng, nhà khoa học thị giác, bác sĩ nhãn khoa và nghệ sĩ. Họ cùng nhau tạo ra các ảo ảnh quang học tuyệt vời, nhằm đánh lừa thị giác người xem.
Trong ảo ảnh “The Phantom Queen”, dễ thấy các quân trên bàn cờ đều là màu đen, được bố trí sẵn trên mặt phẳng gồm các ô màu xám và hồng xen kẽ. Tuy nhiên trong một tấm gương phản chiếu (không phải gương giả) đặt kế bên, người xem quan sát thấy sự xuất hiện đầy kỳ lạ của một quân Hậu màu trắng, mà tại vị trí của nó trên bàn cờ hoàn toàn không có thứ gì.
Điều này khiến chúng ta ngay lập tức bị kinh ngạc, mà không hề biết rằng quân Hậu trên chỉ bị che đi bởi ảo ảnh thị giác.
Trong video giải thích về “The Phantom Queen”, có thể thấy đây chỉ là một ảo ảnh 3D được thiết kế rất tốt, với “chìa khóa” là một khối hộp in hình bàn cờ dưới góc nhìn 3D.
Phương pháp được gọi là “phối cảnh anamorphic” này chỉ hoạt động từ một góc cụ thể khi nhìn từ phía trên, và mô phỏng lại góc nhìn được dựng sẵn. Khi ấy, khối hộp sẽ hòa vào bàn cờ và che khuất quân Hậu trắng khỏi tầm nhìn.
Ảo ảnh tầm nhìn (Optical Illusions) vẫn biết được đến là những hình ảnh đánh lừa đôi mắt. Nói cách khác, đó là những hình ảnh được não bộ “tiên đoán”. Trong trường hợp trên, ảo giác 3D đã khiến chúng ta loại trừ khả năng có một vật thể tồn tại trên bàn cờ, làm cản đi tầm nhìn quân Hậu. Thay vào đó, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ rằng tấm gương mới là nơi bị “làm giả”.
Thông thường, khi võng mạc tiếp nhận tín hiệu hình ảnh, não bộ cần khoảng 1/10 giây để xử lý và chuyển đổi các dấu hiệu. Theo nhà thần kinh học Mark Changizi, 1/10 giây trễ nhịp của não bộ là thời kì để não bộ hình thành “tiên đoán” các hình ảnh có thể xảy ra tiếp theo.
Khả năng “tiên đoán” của não bộ đóng vai trò khá quan trọng, giữ cho chúng ta tránh khỏi việc lao vào những đồ vật nguy hiểm có nhịp độ cao (như xe hơi trên đường cao tốc), hoặc các loài thú săn mồi di chuyển rất nhanh… Thông quá đó, chúng đem đến cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về khả năng đặc biệt này của não bộ.
Tuy nhiên, đôi khi cũng do sự tính toán quá nhanh này, nên não bộ có thể bị đánh lừa dễ dàng bởi các ảo ảnh quang học đơn giản.
Điển hình như ảo giác Ebbinghaus nổi tiếng ở hình trên, với thiết kế đơn giản gồm một vòng tròn màu cam nằm bên trong rất nhiều vòng tròn khác. Ắt hẳn, bạn sẽ thấy vòng tròn màu cam bên trái bé hơn vòng tròn bên phải.
Trên thực tế, chúng có cùng kích cỡ. Nguyên nhân là do độ lớn và khoảng cách các vòng tròn bên cạnh với vòng tròn tâm điểm đã đánh lừa não bộ về độ lớn, rộng của hai vòng tròn màu cam.